MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBSCL tìm giống lúa có khả năng chống chịu với hạn, mặn

06-03-2016 - 14:12 PM | Thị trường

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc tạo ra các giống lúa chống hạn, mặn được xem là lối ra cho người trồng lúa ở ĐBSCL.

ĐBSCL - vựa lúa của cả nước - đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề do khô hạn và xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 100 năm qua. Trong bối cảnh này, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì việc nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa có khả năng chống chịu với hạn, mặn được xem là lối ra cho người trồng lúa nơi đây. Công việc này đã và đang được các nhà khoa học ở các viện, trường, các địa phương trong vùng đặc biệt quan tâm.

Những ngày này, khi hạn mặn đang diễn ra gay gắt tại ĐBSCL, thì tại trang trại Vườn Me ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Anh hùng lao động-Kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cùng các cộng sự của mình cũng đang tất bật hết ra ruộng xem lúa, lại vào nhà quây quần bên các nồi cơm điện nấu cơm để so sánh chất lượng các giống lúa do mình lai tạo ra.

Hơn 20 năm qua, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự đã dày công sưu tầm và tiếp nhận các giống lúa thơm Khao Dawk Mali từ các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ, rồi từ đó, âm thầm tuyển chọn và lai tạo cho ra đời hàng chục loại lúa thơm mang thương hiệu ST, tức Sóc Trăng, nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra nhiều nước trong khu vực.

Hiện tại, diện tích lúa thơm đã chiếm 1/3 diện tích gieo trồng của toàn tỉnh, tức khoảng 100 ha, đưa Sóc Trăng trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về sản xuất lúa thơm đặc sản. Dự kiến đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa thơm của tỉnh sẽ chiếm từ 40% diện tích gieo trồng của tỉnh trở lên.

Anh hùng lao động- Kỹ sư Hồ Quang Cua bên giống lúa thơm chịu mặn mới vừa lai tạo

Anh hùng lao động- Kỹ sư Hồ Quang Cua bên giống lúa thơm chịu mặn mới vừa lai tạo

Anh hùng lao động-Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: Mặc dù các giống lúa thơm được gieo trồng thời gian qua đã có sẵn gen chịu mặn, tuy nhiên trước những diễn biến bất lợi về thời tiết như hiện nay nên trong năm năm gần đây nhóm của ông đã điều chỉnh phương hướng nghiên cứu lại.

“Vẫn nghiên cứu giống lúa thơm để chọn tạo những giống chất lượng để bà con nông dân bán giá cao nhưng đồng thời chú ý những tổ hợp lai tạo ra những con lai có chu kỳ ngắn và có mức độ chịu mặn tương đối cao để đảm bảo an toàn sản xuất cho bà con nông dân. Hiện nay ông đang chọn lọc khoảng 20 dòng của một tổ hợp lai với những phẩm chất ưu việt,” Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Mai Thành Phụng-Nguyên Trưởng bộ phận thường trực phía Nam -Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt thì việc sản xuất lúa ở ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó thứ nhất là hiện nay, trong nước có một số giống chịu mặn tốt nhưng cứng cơm, hàm lượng amilo lên đến 28% do đó người tiêu dùng không chấp nhận, thị trường không chấp nhận. Cái khó thứ hai là trong số những giống lúa chống mặn, kháng mặn do các viện, trường, các địa phương nghiên cứu, lai tạo ra thì đa số đều chịu được mặn ở giai đoạn đầu, tức giai đoạn mạ, có rất ít giống lúa chịu được mặn giai đoạn trổ cho đến chín.

Hầu hết các giống lúa hiện có khi trổ đều chịu độ mặn dưới 0,2%, nếu bơm nước mặn hơn 0,2% vào thì lúa bị thiệt hại năng suất ít nhất là 30%, thậm chí thiệt hại năng suất khoảng 50% trở lên. Do đó, theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Mai Thành Phụng, trong tình hình hiện nay cần phải nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa chẳng những chịu được độ mặn cao ở giai đoạn trổ mà còn được thị trường chấp nhận tức là hạt dài, ít bạc bụng, độ mềm cơm tương đối tốt, có hàm lượng amilo khoảng 20 - 25%.

Thu hoạch lúa Một Bụi Đỏ tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

Thu hoạch lúa Một Bụi Đỏ tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

Qua tìm hiểu thực tế tại ĐBSCL cho thấy, trong thời gian qua nhiều địa phương ở đây đã phối hợp với các nhà khoa học tại một số Viện, trường nghiên cứu lai tạo ra được một số giống giống lúa chịu được độ mặn từ lúc trổ cho đến khi chín.

Theo thạc sĩ Võ Đăng Ký-Giám đốc Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu thì từ năm 2012-2013 huyện Hồng Dân đã liên kết với Trường Đại học cần Thơ nghiên cứu, thử nghiệm giống lúa chịu mặn cho huyện. Đến nay huyện đã có được 2 giống lúa có thể gieo sạ ở những vùng phèn mặn cao sản xuất các giống lúa khác không được. Trong đó giống lúa Một Bụi Đỏ cải tiến lần 2 được canh tác từ 6.000 đến 15.000 ha/vụ với năng suất khá cao gần 6 tấn/ ha. Giống này có khả năng chịu mặn từ 0,6 – 0,8% vào giai đoạn đầu và giai đoạn cuối vụ chịu mặn từ 0,5 – 0,6%.

Riêng giống lúa Sỏi phá quang kỳ có thời gian sinh trưởng từ 95 - 110 ngày với khả năng chịu mặn giai đoạn đầu rất cao trên 1%; Giai đoạn trổ đến chín giống này có khả năng chịu mặn được từ 0,4 – 0,5%.

Theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Võ Công Thành- Trưởng bộ môn di truyền giống nông nghiệp- Khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường Đại Học Cần Thơ thì đối với chu trình sinh trưởng của cây lúa có 3 giai đoạn cực trọng dễ bị nước mặn ảnh hưởng: Đó là giai đoạn đầu, tức giai đoạn mạ, giai đoạn thứ hai là lúc lúa trổ và thứ 3 là giai đoạn lúa chín. Trên thế giới cũng như trong nước lâu nay chỉ tập trung nghiên cứu vào giai đoạn cực trọng nhất là giai đoạn mạ. Hiện nhiều viện, trường trong nước đã có các giống lúa chịu được độ mặn từ 0,3 – 0,5% vào giai đoạn đầu, tương đương các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, GS Thành cho hay, những giống lúa này khi trổ gặp nước mặn tấn công với nồng độ từ 0,2 – 0,3%, hoặc 0,4 – 0,5% là không chịu được, lúc đó vỏ trấu của hạt mở ra nhưng không khép lại nên nông dân gọi là lúa bị hả họng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần phải có thêm những giống chịu được mặn suốt giai đoạn từ khi trổ cho đến khi chín.

Trong thời gian qua, ông Thành cùng các cộng sự của mình đã lai tạo, phục tráng thành công một số giống cho các địa phương. Ngoài 2 giống lúa Một Bụi Đỏ đã cải tiến lần 2 và giống lúa Sỏi phá quang kỳ được gieo trồng khá thành công tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu như vừa kể, hiện còn có thêm giống lúa Nàng Quớt Biển đột biến mà Trường Đại Học Cần Thơ làm theo đơn đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2014-2016 tại huyện Tân Phú Đông. Qua gieo trồng thử nghiệm ở vị trí cách biển 500m cho thấy giống lúa này chịu được độ mặn khá cao từ lúc trổ cho tới khi thu hoạch.

“Giống này có khả năng chịu mặn ở giai đoạn trổ từ 0,5 – 0,6% và chịu mặn suốt cho đến suốt giai đoạn chín là nước mặn có thể lên tới 1% thì năng suất từ 4 - 4,5 tấn/ha. Chúng tôi đã làm thí nghiệm sát biển, cách biển 500 mét thôi, nước mặn tràn vào chúng tôi không thể kiểm soát được, thì giống này chúng tôi đang nhân lên,” GS Thành cho hay.

PGS-TS Võ Công Thành tại trại thực nghiệm các giống lúa chịu mặn

PGS-TS Võ Công Thành tại trại thực nghiệm các giống lúa chịu mặn

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Võ Công Thành cũng cho biết thêm, nếu một số nghiên cứu về lúa trên thế giới chỉ chú trọng vào tính chịu mặn nên khi áp dụng vào vùng đất mặn ở ĐBSCL vốn bị nhiễm phèn đã không thành công hoặc cho năng suất thấp thì các giống lúa do các cán bộ nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, lai tạo có những ưu điểm là vừa chịu được mặn, vừa chịu được phèn.

Hiện ông Thành cùng các cộng sự của mình cũng vừa nghiên cứu thành công một giống lúa mới. Qua trồng thử nghiệm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho thấy giống lúa này chịu được độ mặn 12,7‰ ở giai đoạn cuối, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần.

ĐBSCL- vựa lúa của cả nước đang bị hạn, mặn tấn công gay gắt. Chính vì vậy, việc các nhà khoa học ở các viện, trường và các địa phương nỗ lực phối hợp để tìm ra các giống lúa mới có khả năng chống chịu với hạn, mặn cao được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững. Bởi theo dự báo, tương lai 70% diện tích đất ở ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Lúc đó, người dân nơi đây không thể né mặn hay phòng, chống mặn được nữa mà phải sống chung với mặn./.

Theo Tấn Phong

VOV

Trở lên trên