Giá dầu thoát nguy cơ giảm về 20 USD/thùng?
Thị trường dầu lửa đã chứng kiến nhiều diễn biến kể từ khi Goldman Sachs ra dự báo giá dầu sẽ giảm về 20 USD/thùng...
- 26-02-2016Giá dầu tiếp tục tăng
- 23-02-2016Giá dầu tăng mạnh khiến đồng USD cao ngất ngưởng
Các quỹ đầu cơ đang cắt giảm số hợp đồng đầu cơ dầu giá xuống với tốc độ mạnh chưa từng thấy trong vòng 10 tháng. Hãng tin Bloomberg nhận định, nguy cơ giá dầu giảm về mức 20 USD/thùng đang dần lùi xa.
Thị trường dầu lửa đã chứng kiến nhiều diễn biến kể từ khi ngân hàng Mỹ Goldman Sachs ra dự báo giá dầu sẽ giảm về mức 20 USD/thùng hồi cuối năm ngoái.
Một số công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ tuyên bố sẽ giảm sản lượng trong năm nay, sau 1 năm giữ nguyên mức khai thác bất chấp giá dầu lao dốc.
Cùng với đó, Saudi Arabia, Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác đã nhất trí đóng băng sản lượng và dự kiến sẽ họp trong tháng này để bàn thêm các biện pháp hỗ trợ giá dầu.
“Giá dầu có thể đã thoát khỏi đáy thực sự của nó rồi”, ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu thuộc Citigroup, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg. “Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy nguồn cung dầu ở Mỹ giảm xuống”.
Theo số liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (USCFTC), trong tuần kết thúc vào ngày 1/3, số hợp đồng bán khống dầu thô WTI tại Mỹ đã giảm 15%.
Theo đó, số hợp đồng đầu cơ giá xuống dầu WTI giảm 25.639 hợp đồng, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/4/2015, còn 150.718 hợp đồng. Số hợp đồng dầu cơ giá lên giảm 753 hợp đồng. Số hợp đồng đầu cơ giá lên còn lại nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống còn lại là 24.886 hợp đồng.
Giá dầu đã tăng 7,9% trong tuần kết thúc vào ngày 1/3 và đến nay tăng 40% kể từ khi chạm đáy 12 năm vào hôm 11/2.
Vào lúc hơn 15h chiều nay theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York đứng ở mức 36,44 USD/thùng, tăng gần 1,5% so với chốt cuối tuần trước. Giá dầu thô Brent tại London cũng tăng gần 1%, lên mức 39,1 USD/thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng dầu thô của nước này đã giảm lần thứ 6 liên tiếp trong tuần kết thúc vào ngày 26/2, còn 9,08 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014.
Hãng dầu lửa Mỹ Apache tháng trước tuyên bố sản lượng dầu và khí đốt của công ty này sẽ giảm tới 11% trong năm 2016. Một hãng khác là Continental Resources dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng 10%, trong khi Whiting Petroleum có kế hoạch hạ sản lượng 15% trong năm nay.
Thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ có cuộc gặp với các nước sản xuất dầu khác trong khoản thời gian từ 20/3-1/4 tới - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia của nước này vào hôm 4/3. Tuy nhiên, ông Novak cũng nói rằng các bên chưa chốt thời gian và địa điểm cuối cùng cho cuộc họp.
Trước đó, vào hôm 16/2, Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela đã đạt thỏa thuận ở Doha về việc các nước này sẽ giữ nguyên sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1 nếu các nước sản xuất dầu khác cùng hành động tương tự nhằm giải quyết tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu.
“Nhiều người tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã đi qua rồi. Chúng ta đang chứng kiến sản lượng dầu của Mỹ giảm đáng kể. Và thị trường cũng đang hy vọng OPEC sẽ sớm đạt một thỏa thuận”, bà Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản của TD Securities ở Toronto, nhận xét.
Giá dầu tăng bất chấp lượng dầu tồn kho ở Mỹ tăng thêm 10,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/2, đạt mức 518 triệu thùng. Theo EIA, đây là mức tồn kho dầu cao nhất ở Mỹ kể từ năm 1930.
“Thị trường đang phớt lờ sự gia tăng lượng dầu tồn kho ở Mỹ, và bắt đầu nhận ra rằng sản lượng dầu sẽ bị giữ nguyên nếu không bị cắt giảm. Tâm lý thị trường đã thay đổi”, ông Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, nhận xét.
VnEconomy