MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu xuống thấp nhất trong hai tuần

30-03-2016 - 09:55 AM | Thị trường

So với mức đỉnh thiết lập ngày 22/3, cả hai loại giá dầu hiện đã giảm trên 7,5%...

Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu rớt xuống mức thấp nhất trong hai tuần. Tâm lý lạc quan của thị trường dầu mỏ đã đảo ngược khi thị trường không khỏi hoài nghi liệu sẽ có hay không một thỏa thuận đóng băng sản lượng, theo CNBC.

Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 giảm 1,11 USD/thùng tương đương 2,8% xuống 38,28 USD/thùng.

Thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 1,13 USD/thùng tương đương 2,8% xuống 39,14 USD/thùng. Giá dầu trên cả hai thị trường như vậy đều đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ ngày 15/3.

So với mức đỉnh thiết lập ngày 22/3, cả hai loại giá dầu hiện đã giảm trên 7,5%.

Thị trường đã đón nhận thêm những thông tin bi quan về nguồn cung. Bộ trưởng Năng lượng Kuwait khẳng định nước này sẽ tái khởi động sản xuất năng lượng tại giếng dầu Khafji.

Giếng dầu có sản lượng khoảng 300 nghìn thùng dầu/ngày và được vận hành bởi hai công ty năng lượng nhà nước bao gồm Kuwait Gulf Oil Co của Kuwait và Aramco Gulf Operations của Saudi Arabia. Giếng này đã bị đóng cửa từ tháng 10/2014.

Với động thái mới nhất trên từ phía Kuwait và Saudi Arabia, nhiều nhà đầu tư hoài nghi về khả năng sẽ có một thỏa thuận đóng băng sản lượng được đưa ra trong buổi họp ngày 17/4 sắp tới tại Doha, Qatar. Trước đó, thông tin về cuộc họp trên đã giúp giá dầu kỳ hạn tăng 50% trong khoảng 6 tuần vừa qua.

Tính từ thời điểm giữa năm 2014 khi giá dầu lập mức cao kỷ lục trên 100 USD/thùng, đã có rất nhiều lần giá dầu tăng nhưng rồi sau đó lại giảm sâu trở lại.

Dự trữ dầu của thế giới ở sát mức cao kỷ lục. Dự trữ dầu thô của Mỹ hiện ở mức cao nhất trong 80 năm và dự kiến số liệu công bố trong tuần này sẽ cho thấy dự trữ này tiếp tục tăng.

Ngay cả từ trước động thái của Kuwait mới đây, nhiều chuyên gia phân tích đã không tin vào một thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 4 bởi Iran và Lybia đã tuyên bố không tham gia đàm phán. Nguồn cung dầu tăng cao từ hai nước này chắc chắn sẽ khiến mọi thỏa thuận giảm sản lượng trở nên vô nghĩa.

Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu tại Mỹ đã giảm từ mức trung bình 9,7 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2015 xuống 9,1 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm nay.

Còn theo công ty dữ liệu năng lượng Baker Hughers, số lượng các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ dấu cho thấy sản xuất dầu tại Mỹ sẽ tiếp tục thu hẹp, dù không quá nhanh.

Một yếu tố khác khiến giá dầu giảm trong những phiên gần đây chính là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 4. Tuy nhiên tuyên bố mới nhất của Chủ tịch FED Janet Yellen đã phát đi thông điệp thận trọng về hướng điều chỉnh lãi suất, đồng USD lập tức hạ giá, khiến đà giảm của giá dầu dịu bớt.

Theo Đan Nguyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên