MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dược phẩm trong nước có thể tăng nhẹ năm 2009

05-01-2009 - 08:15 AM | Thị trường

Năm 2008, một năm được coi là khá ổn định với thị trường dược phẩm, năm 2009 dự báo giá dược phẩm trong nước có thể tăng nhẹ.

Năm 2008, một năm được coi là khá ổn định với thị trường dược phẩm, theo đánh giá của cục Quản lý dược phẩm, bộ Y tế, đã đi qua. Lập luận qua đánh giá trên của cục Quản lý dược phẩm là thị trường dược phẩm “không có sự tăng giá đột biến, bất hợp lý”. Các chỉ số về giá cả của cả năm 2008 cho thấy, dược phẩm chỉ đứng thứ 9/10 về chỉ số giá các mặt hàng trọng yếu.
Thống kê hết tháng 11 cho thấy, tỷ lệ chỉ số nhóm hàng dược phẩm, y tế trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước là 43,69%, thấp hơn tỷ lệ của nhóm hàng này (cùng kỳ) trong CPI của các năm 2006 (65%) và 2007 (55%). Bộ Y tế cũng đánh giá rằng, về cơ bản, thị trường dược phẩm đã cung ứng đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân về các sản phẩm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn thì những đánh giá trên ít nhiều có tính báo cáo thành tích. Bởi vì, cho dù có được sự ổn định hơn so với năm 2007 nhưng thị trường dược phẩm năm 2008 cũng có những giai đoạn nổi sóng, có nhiều lúc giá cả tăng cao theo xu hướng tăng giá chung từ đầu năm và chỉ giảm nhẹ ở một số mặt hàng thuốc tân dược trong nước sản xuất vào cuối năm.
Trong sáu tháng đầu năm 2008, thị trường dược phẩm có lúc giá vừa tăng cao lại bị thiếu nhiều loại thuốc, nhất là thuốc đặc trị. Vào thời gian đó, do thiếu ngoại tệ, các bệnh viện công chậm thanh toán, do giá nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu được phê duyệt tại các cơ sở khám chữa bệnh công tháng 1.2008 thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường nên nhiều công ty nhập khẩu, cung ứng thuốc trì hoãn, bỏ thầu, phá hợp đồng (chịu phạt)…
Cho đến nay, dù thị trường đã dần ổn định, không còn tình trạng thiếu thuốc nhưng nhìn chung, giá thuốc còn khá cao. Theo hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược phẩm, khảo sát tại 25 cơ sở bán thuốc thì có 13 cơ sở có biến động giá; khảo sát một số sản phẩm thuốc thiết yếu, có 47 lượt mặt hàng tăng giá và 42 mặt hàng giảm giá.
Thống kê của tổng cục Hải quan cho thấy, trong 1.507 mặt hàng nhập khẩu, có 1,09% mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình 3,26%. Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn về quản lý dược phẩm, quản lý thị trường, giá dược phẩm từ nay đến hết tháng 1 có thể tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp tết, tỷ giá USD/VND có thay đổi, do các doanh nghiệp, các bệnh viện đặt hàng cho đầu năm sau…
Đáng lưu ý là nhóm hàng ngoại nhập của hai công ty phân phối lớn Zuellig Pharma và Diethelm, giá đã tăng trung bình khoảng 10%, sau khi xin phép điều chỉnh tại cục Quản lý dược.
Theo cục Quản lý dược Việt Nam, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2009  ngoài tác động của một số yếu tố của năm 2008, có các yếu tố mới ảnh hưởng đến cung – cầu, giá cả các sản phẩm dược.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng là từ 1.1.2009, các công ty dược phẩm nước ngoài được phép trực tiếp nhập khẩu vào Việt Nam trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn tăng mạnh (dự báo đạt 18 USD/người).
Ngành dược dự kiến số lượng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu dự kiến tăng trên 66,6%. Để tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, ngành dược dự kiến tăng mạnh số lượng các nhà máy sản xuất thuốc trong nước (đạt tiêu chuẩn GMP-WHO) lên 53,85%.
Tuy nhiên, do giá thuốc trong nước sản xuất hiện nay thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng chủng loại trong khu vực nên giá thuốc trong nước có thể sẽ tăng dần.
Việc siết chặt thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp theo cam kết WTO khiến các cơ sở sản xuất thuốc trong nước phải đầu tư, tăng chi phí, đội giá sản xuất lên. Thuốc thành phẩm nhập khẩu được dự đoán sẽ ổn định do giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển… đang có xu hướng giảm.
Trên thực tế, thị trường dược phẩm Việt Nam luôn bị tác động, chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Trong năm 2008, xuất hiện nhiều bài báo điều tra, phân tích về tình trạng câu kết giữa các công ty nước ngoài với những tổ chức, cá nhân môi giới trong nước, với bác sĩ ở nhiều bệnh viện công… để phân phối, bán thuốc với giá bất hợp lý.
Nhưng các cơ quan chức năng hầu như không có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này. Cho đến cuối năm 2008, lần đầu tiên mới có một biên bản hợp tác được ký giữa bộ Y tế và bộ Công thương về phát triển công nghiệp dược và bình ổn thị trường dược phẩm nhưng chưa có các hành động triển khai thực sự của các cơ quan chức năng như cục Quản lý dược phẩm, cục Quản lý thị trường.
Một trong những yêu cầu để ổn định thị trường luôn có sóng gió này là phải thực hiện việc kê khai, kê khai bổ sung giá thuốc và giám sát, kiểm tra việc kê khai đó đến nay hầu như vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Lý do được bộ Y tế giải thích là “thiếu nhân lực”. Giá thuốc kê khai thì mỗi địa phương làm một kiểu vì chưa có hướng dẫn. Các quy định, chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh dược phẩm mặc dù được bộ Y tế đánh giá là quá nhẹ nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi.
Vẫn chưa thấy có những sự đổi mới, đầu tư lớn trong ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước (hiện 90% nguyên liệu sản xuất thuốc, 50% thành phẩm thuốc vẫn phải nhập ngoại). Tất cả những vấn đề này nếu không được xử lý sớm thì nó vẫn là những yếu tố có thể gây bất ổn cho thị trường dược phẩm năm 2009 và những năm tiếp theo.

Theo Mạnh Quân
SGTT

thanhtu

Trở lên trên