Le lói hy vọng giá hàng hóa sẽ tăng vào năm tới
Sau giai đoạn giá sụt giảm mạnh nhất trong vòng một thế kỷ, đang le lói một vài tia hy vọng.
Kết quả khảo sát của Bloomberg với 108 thương gia, nhà phân tích, nhà kinh tế và chiến lược gia ở khắp châu Á, Âu và Mỹ cho thấy triển vọng giá vàng, lúa mì và khí gas có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng có triển vọng tích cực. Đối với dầu – đang sa lầy trong đợt giảm kéo dài nhất kể từ 1998, dự báo giá có thể còn xuống thấp hơn mức thấp nhất 6 năm vừa chạm tới trong tuần này, và các dự báo về thị trường kim loại đồng cũng đầy bi quan.
Giá hầu hết các hàng hóa đều sụt giảm trong năm 2015. Thế giới đang mắc kẹt trong tình trạng dư thừa nguyên liệu sau nhiều năm liên tiếp mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc – nền kinh tế đang giảm tốc nhanh. Để giảm bớt khó khăn, các công ty sản xuất đang phải bán tài sản, giảm cổ tức và giảm sản lượng và chấp nhận bán với mức giá chỉ bằng chi phí sản xuất, thậm chí thấp hơn.
“Các bạn đang thấy những đường zích zắc trên các đồ thị, nhưng năm 2016, có nhiều khả năng giá hàng hóa đã chạm đáy, hoặc ổn định”, Quincy M. Krosby, chiến lược gia thị trường thuộc Prudential Financial Inc. cho biết. Theo ông, có thể những khó khăn chưa kết thúc, song ngay từ lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm những thông tin tích cực, và “thực tế cho thấy đã có một số dấu hiệu tích cực”.
Giảm giá năm thứ 3
Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg – bao gồm 22 nguyên liệu – đã giảm 24% trong năm 2015, là năm thứ 3 liên tiếp giảm giá mạnh – kỳ giảm dài nhất kể từ khi bắt đầu lưu số liệu năm 1991. Chỉ có hai mặt hàng tăng giá là bông và đường. Nickel giảm giá mạnh nhất, giảm 44% do đồn đoán rằng các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng vẫn chưa đủ nhiều để xóa đi lượng dư thừa cung trên toàn cầu. Dầu đốt giao dịch trên sàn New York giảm giá mạnh thứ hai, giảm 34%.
Citigroup Inc. trong báo cáo tháng 11 dự báo triển vọng giá hàng hóa sẽ trở nên ổn định hơn, bởi kết thúc chu kỳ đi xuống từ cuối năm 2012. Nguồn cung sẽ bắt đầu được thắt chặt dần vào nửa cuối năm tới, và các thị trường sẽ có thêm các nhân tố hỗ trợ từ năm 2017. Goldman Sachs Group Inc. trong báo cáo tháng công bố hôm 18/11 khuyên các nhà đầu tư nên cố chờ thêm 12 tháng nữa và hãy rót tiền vào thị trường hàng hóa từ năm 2017.
Triển vọng giá dầu
Các dự báo về giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texax (WTI) giao dịch trên sàn New York được chia đều 50% cho rằng tăng và 50% cho rằng giảm. Dự báo giá trung bình năm tới dao động từ 56 USD/thùng (cao) đến 33 USD/thùng (thấp). Phiên 10/12 giá loại này kết thúc ở mức 36,76 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất 6 năm là 36,38 USD trong cùng phiên.
Các dự báo về giá dầu Brent thì có 13 cho rằng tăng và 15 cho rằng giảm.
Societe Generale SA hôm 8/12 dự báo giá dầu thô kỳ hạn tại New York có thể hồi phục trong những tháng tới do các nhà sản xuất Mỹ cắt giảm sản lượng. Chevron Corp., Petroleo Brasileiro SA và ConocoPhillips thì vừa công bố họ sẽ cắt giảm chi phí trong năm tới sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ quyết định duy trì sản xuất ở mức hiện tại.
“Giá dầu quá thấp như hiện nay sẽ giúp thị trường cân bằng trở lại, bởi tăng trưởng nhu cầu vẫn tốt”, nhà phân tích Miswin Mahesh thuộc Barclays Plc in London cho biết. Theo ông, thị trường đã đánh giá quá thấp mức độ cắt giảm nguồn cung bên ngoài OPEC, và giá sẽ tăng lên”.
Dư thừa kim loại
Kết quả điều tra của Bloomberg cho thấy sự bi quan về giá đồng, với 18 người cho rằng giá sẽ giảm trong năm 2016, trong khi chỉ có 8 người dự báo sẽ tăng và 4 người cho rằng giá sẽ không thay đổi. Dự báo giá sẽ xuống 4.014 USD/tấn trên sàn London, thấp hơn 13% so với mức 4.590 USD/tấn đóng cửa hôm 10/12/2015. Giá kim loại này đã xuống thấp nhất 6 năm trong tháng vừa qua.
Mức cắt giảm sản lượng kim loại chưa nhiều như năng lượng, và tình trạng dư cung có thể kéo dài hơn, theo nhận định của Paul Christopher, chiến lược gia thuộc Wells Fargo Investment Institute cho biết. Tại Chile, nguồn cung cấp đồng lớn nhất thế giới, Codelco đang sa thải công nhân với nỗ lực giảm chi phí, nhưng vẫn duy trì sản lượng. Goldman dự báo bi quan rằng tình trạng cung vượt cầu sẽ kéo dài ít nhất tới 2020.
Lúa mì
Kết quả điều tra của Bloomberg về giá lúa mì khá lạc quan, với 16 người dự báo tăng, 12 dự báo giảm và 2 dự báo ổn định. Ảnh hưởng từ El Nino cường độ mạnh đã bắt đầu làm tăng chi phí lương thực. Chỉ số 73 mặt hàng của Liên Hiệp Quốc đã tăng 2 trong vòng 3 tháng qua. El Nino đã gây mưa quá nhiều ở một số nơi và hạn hán nặng nề ở một số nơi khác, bao gồm cả Australia, nhà xuát khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới. Giá lúa mì tại Chicago ngày 10/12 ở mức 4,955 USD/bushel, có thể tăng lên 6,05 USD vào năm 2016, theo dự báo trung bình của 28 người được hỏi.
“Giá lúa mì sẽ biến động vào năm tới bởi các loại cây trồng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi El Nino và La Nina”, nhà phân tích Naohiro Niimura thuộc Market Risk Advisory cho biết”, song cũng thêm rằng “hiện lượng tồn kho trên toàn cầu còn lớn và điều này sẽ gây trở ngại tới khả năng tăng giá”.
Vàng, khí gas
Giá vàng và khí thiên nhiên cũng sẽ tăng, theo dự báo của phần lớn những người được phỏng vấn. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp giá vàng giảm bởi các nhà đầu tư không có nhiều hứng thú với việc đầu tư mặt hàng này. Kim loại này có thể hồi phục giá khi căng thẳng địa chính trị leo thang, làm gia tăng nhu cầu đối với những tài sản an toàn, theo nhận định của nhà phân tích Krosby của Prudential Financial.
Khí gas sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm sản xuất trong khi nhu cầu tăng đối với hàng xuất khẩu sang Mexico, theo nhận định của giám đốc nghiên cứu Francisco Blanch thuộc America Corp. “Rất nhiều người còn chưa hết buồn vì giá hàng hóa giảm mạnh, nhưng câu hỏi là làm gì vào lúc này”, Kevin Caron, chiến lược gia kiêm quản lý đầu tư của Stifel Nicolaus & Co. ở New Jersey chia sẻ. Và “Mọi người đang mong đợi hàng lọa hàng hóa sẽ bắt đầu đảo chiều tăng trở lại sau giai đoạn giảm sâu kéo dài”.