MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận kếch xù từ kinh doanh sữa vào tay ai?

25-05-2010 - 08:39 AM | Thị trường

Mặc kệ giá sữa nguyên liệu tăng hay giảm, giá sữa bột nhập khẩu trên thị trường khi đã tăng là không giảm, cho dù có điều kiện để giảm giá thì người tiêu dùng cũng không được hưởng.

Cứ thế giá đội lên mãi, cho đến mức ngất ngưởng và các DN thì hưởng lợi vô cùng lớn.

Những lý lẽ thiếu thuyết phục

Bước vào đầu năm 2010, giá sữa bột nhập khẩu đã tăng từ 7%-10%. Đấy là chưa kể thời điểm cuối năm 2009, giá sữa đã tăng từ 10%-15%.

Lý giải về giá sữa tại sao tăng cao và tăng liên tục qua các năm vừa qua, đại diện các Công ty Frieland campia (Cô gái Hà Lan); Mead Johnson, Abbott Việt Nam... cho biết, đó là do VND mất giá so với USD, dẫn đến giá bán sữa bằng tiền Việt tăng.

Bên cạnh đó các chi phí như điện nước, xăng dầu đều tăng giá, dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh tăng đội giá sữa lên. Ngoài ra giá sữa bột nhập khẩu cũng tăng. Quý 2 năm 2009 giá sữa bột nhập khẩu chỉ ở mức 2.900 USD/tấn, nay ở mức 3.500 USD- 3.700 USD/tấn. Giá sữa bột nguyên liệu tăng thì giá sữa thành phẩm cũng phải tăng là điều tất yếu.

Tuy nhiên đây chỉ là lý giải của các DN sữa có vốn đầu tư nước ngoài. DN sản xuất sữa trong nước không đồng tình với tất cả những lý do trên.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần sữa Việt Nam ( Vinamilk) cho biết: Tại thị trường Việt Nam các loại sữa tươi, sữa chua, sữa đặc….đều rẻ hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Nói giá sữa ở Việt Nam quá đắt thì chỉ có mặt hàng sữa bột ngoại nhập, bản thân sữa bột sản xuất trong nước giá đang ở khoảng cách khá xa so với giá sữa bột ngoại nhập, giá chỉ bằng 1/3 sữa nhập khẩu trong khi chất lượng tương đương”, bà Hương cho biết.

Trao đổi với các cơ quan chức năng, như Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tất cả đều thừa nhận hiện nay giá sữa bột nhập khẩu có mức cao bất hợp lý.

Khảo sát của Bộ Công thương thông qua các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho thấy giá sữa bột nhập khẩu tại Việt Nam cao hơn từ 20% đến 150% so với các thị trường khác.

Cụ thể, sữa Ensure Gold của Abbott cao hơn mặt hàng cùng loại ở Thái Lan 20 - 30%, Enfa Grow 3A+ của Mead Johnson cao hơn Thái Lan 60%, Dumex Dugro 1, 2, 3 cao hơn Thái Lan, Malaysia, Indonexia từ 100 đến 150%.

Không chỉ có các doanh nghiệp sữa nội không đồng tình với cách giải thích nguyên nhân tăng giá của các hãng sữa ngoại. Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Nếu nói về giá sữa nguyên liệu cao thì thời điểm giữa năm 2007 là cao nhất. Lúc đó nguyên liệu sữa lên tới 5.400 USD/tấn nhưng giá bán các sản phẩm sữa bột nhập khẩu khi đó thấp hơn 30% so với thời điểm hiện nay”.

Độc quyền nên có quyền bán giá cao?

Việt Nam không có đủ nguyên liệu cho sản xuất sữa. Khoảng 72% lượng sữa bột nguyên liệu phải nhập khẩu, trong khi đó một số công ty nước ngoài độc quyền phân phối sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam dẫn đến có điều kiện nâng giá lên cao.

Bên cạnh đó hiện 6 công ty lớn là Abbott, Mead Johnson, Vinamilk, Frieland Campia, Dumex, Meiji chiếm tới 90% thị phần. Các doanh nghiệp này có hệ thống phân phối rộng khắp, có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, đã trở thành rào cản ngăn chặn các doanh nghiệp khác thâm nhập thị trường và điều này tạo cơ hội cho họ có điều kiện nâng giá.

Kết quả thanh tra cuối năm 2009 của Bộ tài chính cho thấy giá sữa thường được đẩy lên gấp 2 lần giá vốn. Mức chênh lệch giữa giá bán và giá nhập khẩu C&F từ 101% đến 211%.

Ví dụ, Enfagrow 1,8 kg nhập khẩu 198.559 đồng/hộp, bán ra hơn 402.000 đồng/hộp; Enfagrow 900g nhập khẩu hơn 108.000 đồng, bán ra hơn 220.000 đồng/hộp…

Thông tin này đã gây kinh ngạc với nhiều người tiêu dùng vốn ưa chuộng sữa ngoại. Nhưng mới đây 1 số khảo sát của các tổ chức nghiên cứu độc lập cho thấy nhiều sản phẩm sữa được bán ra cao gấp 4 lần giá vốn.

Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), hiện giá sữa bột nguyên liệu nhập về cảng có giá khoảng 65 triệu đồng/tấn (tương đương 65.000 đồng/kg). Sau khi cộng tất cả chi phí khác, giá sữa khoảng 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay giá sữa thường bị đẩy lên mức trên dưới 400.000 đồng/kg.

Cơ cấu giá sữa: Quá bất hợp lý

Phân tích về cơ cấu giá sữa trong đợt kiểm tra giá sữa cuối tháng 12/2009, Đoàn thanh tra của Bộ tài chính cho rằng điều dễ nhận thấy là chi phí quảng cáo, tiếp thị đã quá cao. Điều này có nghĩa: Trong khoản tiền mua sữa (không hề nhỏ) thì phần phải trả cho quảng cáo là rất lớn. Như vậy là người dân đã phải chi trả quá nhiều tiền cho quảng cáo và một phần cho chất lượng sữa.

Chi phí quảng cáo tại các doanh nghiệp có thể sẽ gây “sốc” cho nhiều người. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy: tại Nestlé Việt Nam, chi phí tiếp thị quảng cáo chiếm khoảng 30% chi phí kinh doanh. Năm 2008, mức chi phí này lên tới 20,565 tỷ đồng (chiếm 38% chi phí kinh doanh); 6 tháng đầu năm 2009, khoản chi này là 14,043 tỷ đồng, chiếm 27% tổng chi phí kinh doanh.

Năm 2008, chi phí bán hàng tại Mead Johnson Nutrition Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn, lên tới 77,53%, 6 tháng năm 2009 là 66,45% trên tổng chi phí. Trong đó, chi phí quảng cáo năm 2008 là 53,46%, 6 tháng năm 2009 là 36,22%.

Xin lưu ý: Đây là nhóm chi phí thuộc mức khống chế 10% theo quy định nhưng đã bị vượt lớn (năm 2008 vượt 19 lần, năm 2009 vượt 10 lần so với số khống chế).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ tài chính thừa nhận giá sữa tại Việt Nam đang quá cao và yếu tố nhận biết rõ ràng nhất chính là chi phí cho quảng cáo, tiếp thị lớn đến mức khó tưởng tượng.

Ngoài chi phí quảng cáo tiếp thị, chi phí bán hàng cao thì cách tính giá sữa được các doanh nghiệp tính theo cách: lấy giá vốn cộng thêm từ 40 - 50% lãi gộp nữa, ngoài ra còn căn cứ vào tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng.

Vì vậy với những mặt hàng sữa bột, do thị trường có nhu cầu cao, hàng bán chạy thì giá bị đẩy lên cao và mức lãi không còn dừng ở 50% mà cao hơn. Trên thực tế có những sản phẩm sữa doanh nghiệp thu lợi nhuận tới 86%.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) qua theo dõi thị trường sữa cũng cho biết, tại thời điểm “sale off” và yếu tố cận đát, các nhà sản xuất nước ngoài có thể giảm giá thành sữa bột bán ra tới 50%, giúp các nhà nhập khẩu nhập nhiều loại sữa hộp có giá rất thấp, nhưng giá sữa đến tay người tiêu dùng vẫn không có dấu hiệu giảm.

Ngành sữa đang hưởng siêu lợi nhuận

Điều đáng nói là hiện nay chỉ có 1 DN sữa là Vinamilk là có dây chuyền sản xuất từ sữa nước ra sưã bột, còn lại tất cả các DN khác đều nhập khẩu sữa nền và các vi chất về đóng hộp tại Việt Nam. Đầu tư lớn nhất chỉ là 1 dây chuyền trộn sữa rất đơn giản và chi phí không đáng kể.

Đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao. Theo điều tra của Cục quản lý cạnh tranh, thì lợi nhuận của ngành sữa Việt Nam năm 2007 đã tăng 3,9 lần so với năm 2000. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư là 15,28% vào năm 2000 tăng lên 16,72% năm 2007cao hơn so với ngành thực phẩm đồ uống.

Toàn ngành sữa có lợi nhuận 15,28% năm 2000; 14,8% năm 2005; 21,66% năm 2006 và 16,72% năm 2007. Trong khi ngành đồ uống và thực phẩm chỉ có lợi nhuận 1,74% năm 2000; 9,6% năm 2005; 10,63% năm 2006 và 15,75% năm 2007.

Lợi nhuận bình quân của các DN sữa có vốn đầu tư nước ngoài năm thời kỳ 2001 đến 2007 là 21,4% năm. Doanh thu của DN sữa có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh ở mức 57,15%/năm

Khác biệt về giá của sữa bột trên thị trường Việt Nam là rất lớn. Có nhiều sản phẩm có cùng đặc tính và mục đích sử dụng nhưng giá bán chênh nhau rất lớn. Chẳng hạn dẫn đến cùng hộp sữa bột 900g cho trẻ em 1 - 3 tuổi, nhưng sữa của Vinamilk giá 111.000 đồng một hộp, nhưng của Abbott là 183.000 đồng, sữa Dumex là 255.000 đồng.

Cũng theo Cục quản lý cạnh tranh, liên kết dọc đang tạo ra mức giá sữa cao và siêu lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Các liên kết giữa nhà sản xuất nhà nhập khẩu tại Việt Nam đang mang đến mức giá cao bằng 2 cách: Thứ nhất thông qua trung gian 1 ở nước thứ 3 nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, giá sữa ghi trên hoá đơn nhập khẩu của nhà nhập khẩu tại Viẹt Nam bị đội lên cao, dẫn đến giá bán ra cao. Thứ 2 là nhà nhập khẩu và nhà sản xuất “thông đồng” ghi giá nhập thấp để được giảm thuế nhập khẩu, sau đó bán giá cao và hợp lý hoá bằng cách nâng cao chi phí kinh doanh trong đó có chi phí quảng cáo, tiếp thị như kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra.

Theo Cẩm Quyên – Trần Thủy

Vietnamnet

thanhhuong

Trở lên trên