MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngành sẽ cùng quản lý giá thuốc chữa bệnh

10-05-2015 - 14:23 PM | Thị trường

Một nét mới trong dự thảo Luật Dược được Bộ Y tế đưa ra là đề xuất quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, đồng thời, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo pháp luật, cũng như bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc. Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra vào ngày 9/5.

Luật Dược hiện chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc, mà chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Do đó, ở dự thảo Luật Dược lần này, Bộ Y tế đã đề xuất rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp quản lý giá thuốc: Đấu thầu theo Luật Đấu thầu đối với thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế Nhà nước; kê khai giá đối với thuốc của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ BHYT chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước trước khi lưu hành trên thị trường; đàm phán giá đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.

Khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội sẽ thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật Giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách Nhà nước; đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích. Bộ Y tế cũng yêu cầu phải niêm yết giá thuốc tại cơ sở mua, bán thuốc.

Trong vấn đề quản lý giá thuốc, theo dự thảo Luật Dược, khi có biến động bất thường về giá thuốc và trường hợp mặt bằng giá thuốc biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; quy định nguyên tắc kê khai giá thuốc, giá thanh toán các mặt hàng thuốc do Nhà nước đặt hàng và giao kế hoạch; cung cấp cho Bộ Y tế thông tin về giá nhập khẩu thực tế của thuốc nhập khẩu vào Việt Nam (giá CIF). Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình ổn giá thuốc.

Theo đại diện của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, hiện giá thuốc ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài với hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm và trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu.

Cũng tại dự thảo Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất việc quảng cáo thuốc chỉ được tiến hành quảng cáo khi nội dung quảng cáo đã được cơ quan quản lý Nhà nước về dược xác nhận và phải quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. Thuốc kê đơn không được quảng cáo dưới mọi hình thức; thuốc không kê đơn được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo.

Trường hợp quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có số đăng ký tại Việt Nam đang còn hiệu lực; có hoạt chất thuộc danh mục được quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành.

Theo Thanh Hằng

PV

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên