MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới đối mặt nguy cơ tăng giá, thiếu lương thực

12-02-2011 - 09:15 AM | Thị trường

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf đã cảnh báo: “chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lớn nữa về lương thực.”

Tổ chức Nông nghiệp-Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tỏ ý lo ngại giá lương thực thực phẩm, vốn đã tăng kỷ lục trong tháng 12/2010, không có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf đã cảnh báo: “chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lớn nữa về lương thực.”

Chỉ số giá lương thực do FAO đưa ra vào cuối năm 2010 đã trở lại mức cao nhất và cao hơn chỉ số mà cơ quan này ghi nhận năm 2008, khi vấn đề giá cả đắt đỏ đã gây biểu tình bạo động tại một số nước đang phát triển.

Trong bài viết vừa được báo Bưu điện Bangkok ở Thái Lan đăng tải, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf nói hạn hán tại Nga và việc một số chính phủ hạn chế xuất khẩu lương thực cộng với việc sản lượng thu hoạch thấp hơn mức trông đợi tại Mỹ, châu Âu, Australia và Argentina, đã dẫn đến giá nông sản tăng cao trên thị trường quốc tế.

Lượng ngũ cốc trong các kho trên thế giới đã tăng lên 428 triệu tấn trong năm 2007-2008 và hiện ở mức 525 triệu tấn. Tuy vậy, tình trạng giá lương thực tăng cao và biến động có thể sẽ tiếp diễn trong vài ba năm tới, nếu các nước không giải quyết được vấn đề cơ cấu mất cân đối trong hệ thống nông nghiệp quốc tế.

Xu hướng hiện nay nếu tiếp tục tồn tại thì mục tiêu giảm 50% số người thiếu đói trên Trái Đất vào năm 2015 mà các nhà lãnh đạo thế giới đề ra có thể chỉ đạt được vào năm 2050.

Bất chấp những cảnh báo của Hệ thống thông tin và cảnh báo sớm toàn cầu thuộc FAO, đã không có sự thay đổi quan trọng trong chính sách kể từ năm 1996 và hiện vẫn có tới một tỷ người đang trong tỉnh cảnh đói ăn. Với việc dân số thế giới gia tăng, sản lượng lương thực trên thế giới cần tăng 70% trong 40 năm tới.

Xét về mặt đầu tư, tỷ trọng số tiền dành cho (phát triển) nông nghiệp trong nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã giảm từ mức 19% năm 1980 xuống chỉ còn 3% năm 2006 và 5% vào thời điểm hiện nay.

Tổng số tiền đầu tư trong nước và khu vực tư nhân nước ngoài cho sản xuất lương thực ước vào khoảng 140 tỷ USD/năm. Con số này cần được tăng lên 200 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoảng chi phí lên tới 1.500 tỷ USD mỗi năm dành cho lĩnh vực quân sự trên toàn cầu. Ngoài ra, hoạt động thương mại quốc tế đối với nông sản vừa không tự do vừa không công bằng. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã bảo vệ ngành nông nghiệp của họ với số tiền hỗ trợ lên tới 365 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, chương trình trợ giá và áp đặt thuế quan ưu đãi đối với các dạng nguyên liệu sinh học đang lấy đi khoảng 120 triệu tấn ngũ cốc từ nguồn tiêu dùng của con người sang phục vụ ngành giao thông vận tải. Đó là chưa kể đến những biện pháp áp đặt đơn phương về tiêu chuẩn vệ sinh và rào cản kỹ thuật đang cản trở xuất khẩu, nhất là của các nước đang phát triển.

Giải pháp đối với vấn đề đói nghèo và mất an ninh về lương thực trên thế giới đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả các quyết định về đầu tư, thương mại quốc tế cũng như hoạt động của các thị trường tài chính. Dù biện pháp quản lý khủng hoảng là quan trọng nhưng ngăn chặn khủng hoảng là tốt hơn cả để có thể cung cấp đủ lương thực cho 6,9 tỷ người dân toàn cầu hiện nay, dự đoán sẽ tăng lên trên 9 tỷ vào năm 2050.

Theo tờ Le Monde, nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm không ngừng tăng cao là do thời tiết thất thường như hạn hán, cháy rừng, băng giá, lũ lụt. Tại những quốc gia được xem là vựa lúa mỳ thế giới, chẳng hạn như Canađa, trời giá rét làm sản lượng giảm hơn 17%. Tại Nga, hạn hán và hỏa hoạn mùa hè năm ngoái đã làm "tiêu tan" 19 triệu tấn v.v.. chưa kể đến nạn lụt lội mới đây tại Australia.

FAO quan ngại về đà tăng giá kéo dài trong thời gian tới khi thời tiết vẫn thất thường. Chẳng hạn Argentina có thể bị hạn hán và cơn rét hiện nay ở Bắc Bán Cầu có thể gây thiệt hại đến vụ thu hoạch hè sắp tới. Trong lúc tờ l'Humanité đề cập đến một nguyên nhân khác là nạn đầu cơ. Năm 2011 bắt đầu không tốt khi các nhà đầu cơ đã nhắm vào những sản phẩm cơ bản như đường, dầu ăn, ngũ cốc, tác động đến các quốc gia nghèo phải nhập những mặt hàng này và làm giá các loại thịt tăng theo./.

Theo T.N.Tiến (TTXVN/Vietnam+)

thanhhuong

Trở lên trên