MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường gạch ốp lát: Thua trận thứ hai trên sân nhà

14-06-2010 - 15:01 PM | Thị trường

Hàng cao cấp của Trung Quốc, đa dạng về kích thước, kiểu dáng, dù giá rất cao nhưng thị trường Việt Nam vẫn chấp nhận.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước một lần nữa… bị động, thúc thủ.

Các loại gạch ốp lát chất lượng thấp, giá rẻ của Trung Quốc cách đây khoảng chục năm làm mưa gió ở Việt Nam.

Sau một thời gian, các doanh nghiệp trong nước đã có nhiều biện pháp như chuyển đổi máy móc, công nghệ, giữ chất lượng sản phẩm, truyền thông… Từ đó, doanh nghiệp trong nước đã giành lại thị trường.

Nhưng nay, chỉ cần đi một vòng thị trường, dễ dàng quan sát thấy hàng cao cấp của Trung Quốc lại thống lĩnh với các loại gạch kích thước lớn từ 1,2 x 1,2m, 1,5 x 1,5m, 1 x 2m…; mẫu mã đẹp, độ bóng, óng ánh cao; và giá cũng rất cao từ 1,3 – 3 triệu đồng/m2 mà người tiêu dùng trong nước vẫn mua.

Thúc thủ vì sao?

Theo ông Đinh Quang Huy, chủ tịch hiệp hội Gốm sứ Việt Nam (VIBCA), Việt Nam là nhà sản xuất gạch phục vụ xây dựng lớn nhất Đông Nam Á và là nước đứng thứ sáu trên thế giới; công suất khoảng 300 triệu m2 gạch ốp lát mỗi năm.

Ông Nguyễn Công Định, giám đốc chi nhánh công ty gạch Thạch Bàn tại TP.HCM cho biết, thiết bị, công nghệ của các nhà máy sản xuất gạch các loại tại Việt Nam không phải thấp, có thứ hạng trên thế giới “nên vẫn có thể sản xuất được những loại gạch khổ lớn, bóng đẹp nhưng do nhu cầu tiêu thụ chưa nhiều nên chưa sản xuất”.

Còn ông Nguyễn Đức Hải, giám đốc kinh doanh công ty gạch American Home cũng cho rằng: “Gạch khổ lớn ít người dùng, nhất là nhà dân dụng nên thị phần thấp. Nếu làm phải đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm”.

Thực tế các doanh nghiệp sản xuất gạch trong nước đủ sức thực hiện nhưng công suất tiêu thụ không cao. Mặt khác, các doanh nghiệp đã đầu tư những dây chuyền ép công suất lớn, hiện đại, chủ động về xương, men….

Nhưng nếu thay đổi mẫu mã, kích thước, xương men thì phải dừng cả dây chuyền để hiệu chỉnh sản xuất. Do vậy mà thị phần các loại gạch khổ lớn thường ứng dụng cho các công trình lớn lại dành cho Trung Quốc.

Ông Định cũng cho rằng: “Hàng Trung Quốc chất lượng cao thực chất chưa xứng đáng với đẳng cấp cao, nhưng giá bán lại rất cao”.

Thúc thủ trước mặt hàng này, các doanh nghiệp trong nước còn cho rằng, “mẫu mã của Trung Quốc đa dạng vì doanh nghiệp của họ rất lớn mạnh, “mình mười nhà máy, họ một ngàn nhà máy và họ phân công nhau để vận hành; tốc độ copy mẫu của họ cũng rất nhanh”, ông Hải nói.

Với ông Định thì “Trung Quốc có công nghệ gốm sứ lâu đời, sản lượng họ sản xuất lớn, máy móc họ tự làm được, nguyên liệu tự khai thác – họ quy hoạch hẳn một vùng ở Phật Sơn để sản xuất gạch ngói và xuất đi toàn thế giới”.

Ngay như hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) cũng nhận định, Trung Quốc đứng đầu thế giới về các sản phẩm gạch ngói nói chung, cả những nước như Tây Ban Nha, Ý cũng khó lòng cạnh tranh với họ về mẫu mã và giá cả.

Lại “mất bò mới lo làm chuồng”

Ông Võ Quốc Thắng, tổng giám đốc công ty Đồng Tâm cho rằng, các doanh nghiệp trong nước “không thể cạnh tranh bình đẳng với các loại vật liệu xây dựng từ Trung Quốc do tình trạng hàng nhập lậu qua đường biên mậu, trốn thuế quá nhiều”.

Không riêng loại gạch chuyên biệt khổ lớn chiếm lĩnh thị trường xây dựng mà gạch ốp lát cấp chất lượng từ thấp – trung – cao của Trung Quốc đều có mặt trên thị trường nội địa. Và, đặc biệt sản phẩm của Trung Quốc luôn rẻ hơn hàng cùng loại của các doanh nghiệp Việt Nam từ 40.000 – 80.000đ/m2.

“Do đó gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, mặc dù loại gạch bậc thường hay bậc trung của Trung Quốc không thể sánh được về chất lượng so với gạch của Việt Nam”, ông Hải than.

Ông Hải kể tiếp, hàng Trung Quốc sang Việt Nam bằng nhiều đường như từ dân cửu vạn, hàng tiểu ngạch vừa lách được thuế vừa kê khai giá trị tính thuế thấp hơn giá trị thực tế 50 – 70%.

“Hàng rào thuế quan chưa hiệu quả, do đó mà cung vượt cầu, doanh nghiệp không dám đầu tư”, ông Hải nhận định.

Vừa qua VIBCA đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước do tình trạng gian lận thương mại và nhập lậu trốn thuế từ Trung Quốc.

Từ đó, theo chỉ đạo của bộ Công thương, từ ngày 1.6, gạch men Trung Quốc nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá tính thuế nhập khẩu với mức thuế từ 20 – 40%, áp dụng cho cả hàng nhập khẩu của cư dân biên giới (trước đây miễn thuế với những lô hàng giá trị dưới 2 triệu đồng).

Theo Nguyễn Tâm
SGTT

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên