MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông tin hàng hóa nổi bật ngày 12/01: Sẽ nhập khẩu 81.000 tấn đường và 102.000 tấn muối

12-01-2015 - 22:42 PM | Thị trường

Doanh số thị trường ô tô năm 2014 đạt 157,8 nghìn xe; Do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kéo dài đẩy giá rau xanh tăng mạnh; Không khai tử tổng đại lý gas; Thống nhất sẽ nhập 81.000 tấn đường và khoảng 102.000 tấn muối trong năm 2015...là những tin nổi bật trong ngày.

Hà Nội: Thời tiết rét đậm kéo dài đẩy giá rau xanh tăng mạnh

Thời tiết rét đậm, rét hại cộng thêm mưa to trong những ngày qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung của các loại rau xanh.

Khảo sát của phóng viên ngày 12/1, tại nhiều chợ đầu mối và các chợ truyền thống như chợ Ngã Tư Sở, chợ phía Nam, Phùng Khoang, chợ Hoàng Văn Thái, Kim Liên, chợ Hôm… giá các loại rau, củ đã tăng từ 1.000-8.000 đồng so với tuần trước.

Đơn cử rau cải thảo có giá 18.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; bông súp lơ được bán với giá 14.000 đồng/bông, tăng 4.000 đồng/bông; khoai tây tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg; rau xà lách có giá tăng từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; xu hào trước chỉ từ 3.000-3.5000 đồng/củ nay tăng giá gấp đôi lên thành 6.000-7.000 đồng/củ; cà chua tăng hơn 10.000 đồng/kg từ 15.000 đồng/kg lên 26.000 đồng/kg….

Năm 2014: Doanh số thị trường ô tô đạt 157,8 nghìn xe, tăng trưởng 43%

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam – VAMA vừa công bố tình hình tiêu thụ ô tô trong tháng 12 và cả năm 2014.

Theo đó, trong tháng 12,sản lượng tiêu thụ toàn ngành đạt con số kỷ lục 20.208 xe, bao gồm 13.200 xe cá nhân và 7.000 xe thương mại. Đây là tháng thứ 21 liên tiếp doanh số toàn ngành cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2014, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đạt 157,8 nghìn xe, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013. Đà tăng trưởng của thị trường đến từ sự tăng trưởng của cả 2 phân khúc: xe cá nhân đạt 100,4 nghìn xe – tăng 43% và xe thương mại đạt 57,37 nghìn xe, tăng 42%

Sản lượng xe lắp ráp trong nước (CKD) đạt 116,5 nghìn xe, tăng 32% và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đạt 41,3 nghìn xe, tăng 83%.

Không khai tử tổng đại lý gas

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 3 nghị định thay thế Nghị định 107/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG thường gọi là gas) với nhiều sửa đổi quan trọng làm giới kinh doanh gas tạm thở phào.

Trong dự thảo lần này đã bổ sung hình thức kinh doanh gas tổng đại lý với các điều kiện tương đương quy định hiện hành, như: có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), trong đó có đăng ký kinh doanh khí; có kho chứa tối thiểu 2.000 vỏ chai LPG; có hệ thống phân phối gas bao gồm cửa hàng bán gas chai, trạm cấp gas hoặc trạm nạp gas vào ô tô và có tối thiểu 10 đại lý đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; có hợp đồng đại lý với DN đầu mối, thời hạn hợp đồng đại lý tối thiểu 1 năm, còn hiệu lực thi hành.

Trước đó, ở dự thảo lần 2, cơ quan soạn thảo nghị định đã rút ngắn hệ thống phân phối gas chỉ còn 2 cấp chính là thương nhân đầu mối và đại lý, bỏ qua khâu tổng đại lý. Điều này, về lý thuyết, là bỏ bớt khâu trung gian nhằm giảm giá thành cũng như giúp DN đầu mối giám sát tốt hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế thị trường lại không hẳn như vậy khi một số DN đầu mối dù chỉ bán qua tổng đại lý rồi mới phân phối đến cửa hàng thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng lại thấp hơn so với DN đầu mối bán thẳng đến cửa hàng.

Hơn nữa, sự tồn tại của khâu tổng đại lý không chỉ trên thực tế mà còn được pháp luật công nhận. Đây cũng là khâu kinh doanh cần đầu tư ban đầu lớn để đáp ứng quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là về bảo đảm phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, đứng trước nguy cơ bị ngừng kinh doanh khiến nhiều tổng đại lý lo lắng.

Xuất khẩu gạo khó ngay từ đầu năm

Mới đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phải hạ giá sàn gạo XK. Điều này cho thấy XK gạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt thị trường ngay từ những ngày đầu năm mới.

Tháng 11 năm ngoái, VFA đã đưa ra giá sàn mới cho gạo XK là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với giá sàn của loại gạo này được đưa ra vào tháng 7 cùng năm. Vừa qua, Hiệp hội này đã điều chỉnh lại giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, thời hạn bắt đầu áp dụng là từ 12/1/2015.

Như vậy, so với mức giá sàn gần nhất, giá sàn mới đã giảm 20 USD/tấn và giảm tới 50 USD/tấn so với giá sàn hồi tháng 7 năm ngoái.

Sở dĩ VFA phải giảm giá sàn gạo XK, chủ yếu là do nhu cầu trên thị trường hiện khá yếu trong khi nguồn cung lại bắt đầu tăng lên bởi đã có những diện tích lúa đông xuân sớm được thu hoạch. Trên thị trường thế giới, giá gạo XK Việt Nam vẫn đang có xu hướng giảm xuống.

Sản lượng cà phê Brazil giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn hán

Sản lượng càphê của Brazil đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm ngoái do ảnh hưởng của một trong những đợt hạn hán được coi là tồi tệ nhất ở quốc gia này trong nhiều thập niên qua.

Thời tiết khô hạn được dự báo sẽ là yếu tố chính đe dọa quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này trong niên vụ 2015-2016, khiến giá nông sản này tiếp tục bị đẩy cao.

Sản lượng càphê của Brazil đóng góp khoảng 1/3 sản lượng cà phê trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp Brazil, tổng sản lượng càphê của quốc gia Nam Mỹ này trong năm ngoái đã giảm 7,7% so với năm 2013, trong đó, sản lượng càphê arabica cao cấp giảm đáng kể là 15%.

Thời tiết nắng nóng và khô hạn chưa từng có đã diễn ra suốt từ những tuần đầu tiên của năm 2014 đến tận tháng mười một ở các vựa sản xuất càphê chính của Brazil, khiến sản lượng càphê của quốc gia này chỉ đạt 45,3 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong năm 2014.

Đường, muối ê hề vẫn nhập

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương vừa thống nhất sẽ nhập 81.000 tấn đường và khoảng 102.000 tấn muối trong năm 2015.

Từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đều cấp hạn ngạch nhập khẩu muối với khoảng 102.000 tấn/năm, giao cho thương nhân sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, thuốc và sản phẩm y tế. Điều đáng nói là năm 2014, sản lượng muối cả nước ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 15,6% so với năm 2013, trong đó muối công nghiệp tăng tới gần 30%, đạt 347.700 tấn. Dự kiến năm 2015, sản lượng muối qua chế biến sẽ đạt khoảng 450.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy vậy, theo ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, việc Việt Nam phải nhập khẩu muối là khó tránh bởi do hạn chế về công nghệ, sản xuất trong nước không đủ phục vụ công nghiệp. Ông Phương cho biết Việt Nam đã có công nghệ sản xuất muối công nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lại “chê”, không làm đại trà do giá thành cao.

Trong khi đó, rất ít ngành sản xuất đòi hỏi nhập khẩu đường chất lượng cao mà hầu như sử dụng sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm để đến năm 2015 là 81.000 tấn. Điều đáng nói là tính đến ngày 15-12-2014, đường tồn kho trong nước đạt hơn 250.000 tấn.

>>> Tuần 05 - 11/1: Nhiều mặt hàng giảm giá

Hà Thắm

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên