MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đàm phán với ANCI về việc EU áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam

03-11-2009 - 17:07 PM | Thị trường

Sản phẩm giầy Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của châu Âu nói chung và Italia nói riêng.

Vừa qua,  tại Italia, Tham tán Thương mại Việt Nam có cuộc thảo luận với ông Vito Artioli, Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất giày da Italia (ANCI) và ông Fabio Aromatici, Tổng Thư ký ANCI liên quan đến việc EU xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá với giày mũ da xuất xứ Việt Nam.

Tại buổi gặp, Đại sứ Đặng Khánh Thoại đã nêu lên những điểm bất hợp lý của việc áp đặt thuế chống phá giá với giày của Việt Nam, trong đó nêu rõ: Không có bằng chứng cho thấy chấm dứt áp thuế chống phá giá sẽ gây thiệt hại cho ngành giầy da châu Âu. Việc lựa chọn Brasil là nước đối chứng là không hợp lý. Nên chọn Indonesia.

Sản phẩm giầy Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của châu Âu nói chung và Italia nói riêng.
 
Thuế chống phá giá đã khiến nhập khẩu giày từ Việt Nam vào EU chững lại, nhưng giày nhập khẩu từ các nước khác, như Thái Lan, Indonesia, lại tăng nhanh. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu vẫn chịu sức ép từ hàng nhập khẩu từ châu Á và điều này không phải chỉ do Việt Nam.
 
Gia hạn thuế chống phá giá sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế của EU.
 
Đối với Việt Nam, các biện pháp trừng phạt của EU đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một ngành công nghiệp sử dụng 650.000 lao động, gây ra tình trạng mất việc làm của 40.000 lao động của ngành này trong thời gian vừa qua.
 
Ông Artioli nhìn nhận những luận điểm nêu ra là phù hợp và công nhận lượng giầy bán vào EU chiếm tỷ trọng lớn là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Artioli cho rằng quyết định chính nằm ở Bruxelles và hy vọng phán quyết sắp tới của Ủy ban Châu Âu sẽ hợp lý.

Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh khó khăn của các doanh nghiệp giày Italia chỉ có thể vượt qua được nếu các doanh nghiệp Italia mạnh dạn mở cửa, hợp tác với các doanh nghiệp giày ở các nước đang phát triển như Việt Nam để hợp lý hóa sản xuất, giảm giá thành sản phẩm trong khi vẫn tận dụng được ưu thế về thương hiệu giày Italia đã có trên thị trường thế giới.

Hạnh Lệ (theo Cục Quản lý cạnh tranh)

hanhle

Trở lên trên