Hàng không căng mình ứng phó Covid-19
Là một trong những ngành ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề từ dịch Covid-19, hàng không Việt Nam dự kiến phải gánh thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Chỉ tính riêng việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, hàng không Việt Nam mất bình quân 400.000 lượt khách/tháng. Hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế tới các điểm đến khác cũng bị vạ lây.
Thiệt hại 10.000 tỉ đồng chỉ trong 1 tuần
Ngày 16-2, chủ một đại lý vé máy bay tại TP HCM cho biết số lượng khách hỏi đặt vé thời điểm này giảm mạnh so với trước Tết và cùng kỳ năm ngoái do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Khách lẻ gần như không có, khách công ty cũng giảm. Ngay cả những đường bay đông khách nhất nước giữa TP HCM - Hà Nội cũng rất ít người đặt vé. Những ngày qua, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, rất nhiều người đã đặt vé, trả tiền để về quê, đi công tác, du lịch trong lẫn ngoài nước… đều hủy vé giờ chót. Các công ty lữ hành cũng gặp khó khăn vì du khách hủy tour… Khách hủy các chuyến du lịch đồng nghĩa với hủy vé máy bay (với những tour trong nước đi bằng máy bay). Vận tải hàng không rơi vào cảnh ế ẩm.
Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề. Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết thị trường Trung Quốc đang chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không trong nước. Trước khi có dịch Covid-19, thị trường Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không tham gia khai thác 72 đường bay giữa các điểm đến Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet. Có 7 hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế đi/đến những điểm ở Trung Quốc gồm sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi và Liên Khương. Nhưng từ ngày 1-2, theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, toàn bộ chuyến bay đi/đến Trung Quốc đã tạm dừng khai thác nhằm phòng tránh dịch bệnh.
Hành khách đeo khẩu trang phòng tránh dịch ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu trung bình của khoảng 400.000 lượt khách/tháng. Các hãng cũng bị thiệt hại nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, công tác vệ sinh phòng dịch... Theo số liệu thống kê, chỉ riêng 1 tuần sau khi dừng khai thác các chuyến bay đi/đến Trung Quốc (từ ngày 1-2), sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam giảm 4%, riêng vận chuyển quốc tế giảm 28% so với cùng kỳ. Ước tính sơ bộ thiệt hại ban đầu của các hãng lên tới hơn 10.000 tỉ đồng. Chưa kể tình trạng "vạ lây" khi hành khách hủy vé ở những đường bay nội địa, khách du lịch hủy vé từ Việt Nam ra các nước và khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh…
Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét vận tải hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm hơn 79% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Riêng khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không cũng chiếm tới 70%.
"Doanh thu của ngành hàng không mỗi năm khoảng 200.000 tỉ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 0,1% sẽ chịu tác động trực tiếp, rõ nét nhất từ dịch Covid-19. Dự báo doanh thu và lợi nhuận của ngành này sẽ giảm mạnh trong quý I, II và cả năm 2020 tùy vào diễn biến dịch bệnh" - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Bộ phận nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán SSI cũng đánh giá triển vọng ngành hàng không trong ngắn hạn là "tiêu cực" do tác động của dịch Covid-19. Tất cả hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này, khi nhu cầu đi du lịch giảm, nhất là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Năm 2019, trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm tới 32,2%.
Xoay xở, tìm cách ứng phó
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hãng lớn hơn rất nhiều so với dịch SARS cách đây 17 năm. Hãng đã báo cáo cơ quan quản lý về việc này và sắp tới sẽ báo cáo hằng tuần để cập nhật tình hình, dự kiến biện pháp ứng phó… Hãng đang đánh giá mức độ ảnh hưởng thời gian tới dựa vào giả định mức độ tiếp tục lan tỏa hay kiềm chế của dịch bệnh. Dù vậy, theo đánh giá chung, dịch sẽ giảm mạnh khi mùa hè đến nên Vietnam Airlines đưa ra kịch bản và những giải pháp dài nhất đến tháng 5-2020.
Theo tính toán sơ bộ của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), tác động của dịch Covid-19 đã làm hiệu quả sản xuất, kinh doanh suy giảm 20% so với bình thường. Chủ tịch HĐQT của ACV, ông Lại Xuân Thanh, cho biết sắp tới, tình trạng này sẽ nặng nề hơn bởi vừa qua, hành khách đã đi bắt buộc phải về, còn sắp tới khi khách đã về thì không ai đi lại nữa. Khách quốc tế hiện nay gần như chỉ còn chiều đi, không có người đến mới. Một số sân bay đặc thù đón khách quốc tế đang trong tình trạng vắng vẻ…
Hiện một số hãng hàng không đã bắt đầu xoay xở, tìm cách ứng phó nhằm giảm thiệt hại từ dịch Covid-19. Vietnam Airlines vừa thông báo đang có nhu cầu cho thuê các máy bay thân hẹp (A321) hoặc máy bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10). Thời gian cho thuê là 6 tháng hoặc theo nhu cầu, dự kiến bắt đầu từ tháng 4-2020. Trong khi đó, Vietjet đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM tới các điểm đến trên đất nước Ấn Độ. Jetstar Pacific thì triển khai kế hoạch kích cầu với chương trình ưu đãi mua 4 tặng 1 vé máy bay trên tất cả đường bay nội địa…
Theo ông Lại Xuân Thanh, sắp tới, ACV phải điều chỉnh kế hoạch, đồng thời phối hợp các hãng hàng không tìm giải pháp kích cầu thị trường. Thời điểm sau dịch SARS, ngành hàng không đã rút ra bài học là nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, khi thị trường đó có vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn nên đã tái cơ cấu để tránh bị ảnh hưởng quá mạnh. Với đợt dịch này, ACV cũng đặt ra định hướng phối hợp với các bên nhằm tái cơ cấu thị trường.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, yêu cầu Vietnam Airlines và ACV thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí, triển khai những phương án khai thác hợp lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần bảo đảm phục vụ hành khách tới những điểm đến không bị ảnh hưởng và nghiên cứu xây dựng kịch bản kinh doanh, thị trường mới trên cơ sở diễn biến cập nhật của dịch bệnh và biến động của thị trường hàng không.
"Cần biến "nguy" thành "cơ", trong khó khăn có cơ hội. Làm sao tính toán các phương án phát triển thêm thị trường, hành khách, tính toán các lĩnh vực có thể phát triển, chủ động tiến hành sau khi dịch kết thúc… Ủy ban sẽ làm việc trực tiếp với các tổng công ty về vấn đề này để tính toán lại tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp, xây dựng chiến lược phát triển trong thời gian tới"- ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Kiến nghị giảm giá dịch vụ
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi/đến, hạ cất cánh). Khuyến khích các hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ hàng không chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh mức giá dịch vụ, giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp...
Hàng không toàn cầu mất 4-5 tỉ USD vì dịch Covid-19
Báo cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mới đây cho biết đã có 70 hãng hàng không các nước hủy tất cả chuyến bay quốc tế đi và đến Trung Quốc, trong khi 50 hãng khác đã giảm hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Diễn biến này khiến thị trường hàng không toàn cầu trong quý I/2020 có thể giảm 39%-41% công suất vận chuyển hành khách, thiệt hại khoảng 4-5 tỉ USD.
Người lao động