MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không lỗ lớn vì giá nhiên liệu cao kỷ lục

Hàng không lỗ lớn vì giá nhiên liệu cao kỷ lục

Thị trường hàng không nội địa của Việt Nam phục hồi mạnh, lượng khách vượt cả giai đoạn chưa có dịch COVID-19, sân bay Nội Bài (Hà Nội) khai thác vượt công suất thiết kế. Khách quốc tế cũng dần phục hồi nhưng dù tấp nập, các hãng hàng không vẫn lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi tháng.

Nội địa cứu cánh

Từ đầu tháng 6 tới nay, khu nhà ga hành khách nội địa (T1) sân bay Nội Bài (Hà Nội) luôn trong tình trạng chật kín khách đi/đến. “Cao điểm hè năm nay ngày nào cũng là ngày cao điểm, lượng khách vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách nội địa”, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho hay.

Cụ thể, ngày 24/6 vừa qua, sân bay này phục vụ 102 nghìn lượt khách, trong đó khách nội địa hơn 91 nghìn lượt. Ngày 25/6, con số tương ứng là 104 và 93 nghìn lượt. Dự kiến, đầu tháng 7 tới, mỗi ngày sân bay Nội Bài phục vụ 110 nghìn lượt khách, tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Hàng không lỗ lớn vì giá nhiên liệu cao kỷ lục - Ảnh 1.

Giá xăng dầu cao kỷ lục khiến các hãng hàng không lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi tháng dù khách bay nội địa “bùng nổ”. Ảnh: Phạm Thanh


Vietnam Airlines cho biết, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải khách nội địa của hãng tăng vượt hơn 7% so với cùng thời điểm năm 2019. Dù thị trường khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng, nhưng hãng cũng nối lại 35 đường bay thường lệ quốc tế, bằng phân nửa so với trước khi phải dừng vì dịch bệnh và dự kiến tiếp tục nối lại một số đường bay khác trong tháng 7 tới.

Không chỉ giá nhiên liệu tăng cao, các đường bay đi/đến châu Âu, Mỹ của các hãng hàng không Việt Nam còn phải bay vòng tránh không phận Nga và Ukraine, khiến đường bay dài hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn. Thông tin phát đi hồi tháng 3 vừa qua của Cục Hàng không cũng đưa ra tính toán, do các chuyến bay đi/đến châu Âu phải tránh không phận Nga và Ukraine, dẫn tới thời gian bay kéo dài thêm 1-2 tiếng so với trước, làm chi phí mỗi chuyến bay tăng thêm 10-21 nghìn USD. Tương tự, các chuyến bay Việt – Mỹ cũng phải đổi lộ trình, phát sinh thời gian bay kéo dài thêm 20-30 phút/chuyến so với thông thường, khiến chi phí phát sinh thêm 20 – 40 nghìn USD/tuần.

Theo đánh giá của các tổ chức hàng không quốc tế, thị trường khách hàng không nội địa Việt Nam là 1 trong 9 thị trường phục hồi sau dịch COVID-19 tốt nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách bay nội địa đạt hơn 20,6 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 6 (bắt đầu cao điểm hè), theo Cục Hàng không, khách bay nội địa tăng gần 30% so với cao điểm hè năm 2019. Tuy nhiên, với bay quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế tới Việt Nam qua đường hàng không gần 2,4 triệu lượt, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỏng vó vì giá nhiên liệu

Trong lúc hàng không bắt đầu phục hồi sau dịch COVID-19, giá nhiên liệu bay (Jet A1) bất ngờ tăng mạnh từ đầu năm tới nay, đặc biệt khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ GTVT vừa diễn ra, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, khách nội địa tăng mạnh giúp các hãng hàng không Việt Nam cải thiện dòng tiền, tạo việc làm. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng phi mã từ đầu năm tới nay khiến doanh thu không bù được chi phí. Cơ quan này tính toán, hiện các hãng hàng không Việt Nam lỗ gần 100 tỷ đồng mỗi tháng, chủ yếu do bù giá nhiên liệu tăng cao.

Đầu năm 2022, các hãng hàng không xây dựng kế hoạch kinh doanh cả năm trên khung giá nhiên liệu bay bình quân 75-80 USD/thùng, thực tế bình quân giá nhiên liệu bay nửa đầu năm khoảng 116 USD/thùng. Đặc biệt, nửa đầu tháng 6 này, bình quân giá nhiên liệu bay đã lên hơn 160 USD/thùng. Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (Vaba), nếu giá nhiên liệu bay nửa cuối năm duy trì như hiện nay, chi phí của các hãng hàng không ước tăng thêm khoảng 20 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Nếu giá lên mốc 200 USD/thùng, các hãng sẽ phải chi thêm 28-30 nghìn tỷ đồng cho nhiên liệu.

Phía Vietjet cho hay, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, hãng dự kiến giá nhiên liệu bay chỉ bình quân 80 USD/thùng. Thực tế, tới tháng 3, giá nhiên liệu đã lên 130 USD/thùng khiến chi phí khai thác của hãng tăng 35% so với kế hoạch; tới tháng 5 giá nhiên liệu bay lên mức 155 USD/thùng khiến chi phí khai thác tăng 48-60% so với đầu năm. Lãnh đạo Vietjet cho hay, giá nhiên liệu cao kỷ lục khiến hãng phải gánh thêm hàng nghìn tỷ đồng chi phí trong năm nay.

Vietnam Airlines tính toán, giá nhiên liệu bay tăng 1 USD/thùng, hãng sẽ phát sinh chi phí nhiên liệu thêm 12 tỷ đồng. Năm 2019, nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 29% tổng chi phí của hãng, nay đã lên 50%. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì mức 150-160 USD/thùng (cao gấp đôi năm trước), hãng này dự kiến phải bỏ thêm 8.000 tỷ đồng mua nhiên liệu trong năm nay.

“Trên thế giới đã có một số hãng hàng không ở châu Phi tạm dừng hoạt động vì giá nhiên liệu quá cao. Hãng Qantas (Úc) phải tạm dừng khai thác nhiều đường bay nội địa cũng vì giá nhiên liệu phi mã. Hơn 10 năm trước giá nhiên liệu cao nhất chỉ 147 USD/thùng, với giá đó không cách nào hãng bay có lãi, giờ giá nhiên liệu còn cao hơn”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói.

Để hỗ trợ các hãng hàng không ứng phó với giá nhiên liệu tăng cao, Cục Hàng không, Vaba kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho tăng trần giá vé máy bay nội địa thêm bình quân 3,7% so với hiện hành (tương đương mức giá trần áp dụng năm 2014); cho phép các hãng được phụ thu phí nhiên liệu khi giá xăng Jet A1 vượt 100 USD/thùng; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu với nhiên liệu bay; tiếp tục miễn, giảm một số loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực hàng không; sớm giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất 2%...

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên