MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt mặt hàng điện tử của Nhật được áp mức thuế nhập khẩu 0%

16-09-2016 - 08:28 AM | Thị trường

Theo quy định mới, hàng loạt mặt hàng điện tử của Nhật trong đó có máy in, PDA, bộ điện thoại, máy tính xách tay kể cả notebook và subnotebook… khi nhập vào Việt Nam sẽ được áp mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ ngày 1/9/2016 đến hết 31/3/2019.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125 quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này.

Có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2016, Nghị định 125 được áp dụng cho các đối tượng: người nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; cơ quan hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cụ thể, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 được ban hành kèm theo Nghị định 125, trong thời gian từ ngày 1/9/2016 đến hết ngày 31/3/2019, hàng loạt mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản khi nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi biệt 0%.

Đó là: Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in (bát chữ), trục lăn và các bộ phận in khác của nhóm 84.42; máy in khác, máy copy và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau; bộ phận và phụ kiện của chúng; Máy giặt khô; Máy là trục đơn, loại gia dụng; Máy giặt, tẩy trắng hoặc nhuộm; Máy chữ trừ các loại máy in thuộc nhóm 84.43; máy xử lý văn bản; Máy tính và các máy ghi, tái tạo và hiển thị dữ liệu loại bỏ túi có chức năng tính toán; máy kế toán; máy đóng dấu bưu phí, máy bán vé và các loại máy tương tự, có gắn bộ phận tính toán; máy tính tiền.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% cũng được áp dụng từ ngày 1/9/2016 đến hết ngày 31/3/2019 đối với các loại mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản khác như: Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng; đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác; Máy thanh toán tiền tự động; Máy bán hàng tự động (ví dụ: máy bán tem bưu điện, máy bán thuốc lá, máy bán thực phẩm hoặc đồ uống), kể cả máy đổi tiền.

Đáng chú ý, trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 mới được ban hành, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% còn được áp dụng từ 1/9/2016 đến 31/3/2019 đối với bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác; thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác, kể cả các thiết bị viễn thông nối mạng hữu tuyến hoặc không dây (như loại sử dụng trong mạng nội bộ hoặc mạng diện rộng), trừ loại thiết bị truyền hoặc thu của nhóm 84.43, 85.25, 85.27 hoặc 85.28; Micro có dải tần số từ 300 Hz đến 3.400 Hz với đường kính không quá 10 mm và cao không quá 3 mm, dùng trong viễn thông; Loa, không có vỏ, có dải tần từ 300 Hz đến 3.400 Hz với đường kính không quá 50 mm, sử dụng trong viễn thông; Tay cầm nghe - nói của điện thoại hữu tuyến; Máy trả lời điện thoại…

Để được áp mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng đủ các điều kiện gồm: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này; được nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu JV do Bộ Công Thương quy định.

Theo Vân Anh

ICTnews

Trở lên trên