MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt rào cản xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam

Phát triển đô thị thông minh và bền vững là mục tiêu của nhiều thành phố trên thế giới. Giải pháp nào cho Việt Nam xây dựng thành phố thông minh?

Phát triển đô thị thông minh và bền vững là mục tiêu của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam hiện đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình khác nhau đang là rào cản để tiến tới phát triển thành phố thông minh bền vững.

Hàng loạt rào cản xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam - Ảnh 1.

Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là vấn đề của quốc gia mà còn cần sự đóng góp của cả doanh nghiệp và người dân. (Ảnh minh họa: KT).

Theo dự báo, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị đang tăng nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm 30% dân số đô thị trên toàn quốc.

Điều này tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh

Theo giới chuyên gia kinh tế, kiến trúc đô thị, thách thức lớn hiện nay trong việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam là sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, năng lực cạnh tranh của đô thị không cao; Chất lượng đô thị yếu, kém... khiến nguy cơ cao dẫn đến tốn kém lượng lớn ngân sách, tiền của mà không thu hoạch được nhiều.

"Phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến... Hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh đạt thấp so với quy chuẩn cũng là những rào cản rất lớn", ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết.

"Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị rất mỏng, phân tán, chưa số hóa trong khi tốc độ đô thị hóa diễn quá nhanh làm hạn chế khả năng thông minh hóa công tác quy hoạch đô thị cũng như quản lý phát triển đô thị", ông Trần Quốc Thái cho biết thêm.

Theo ông Vũ Hồng Phong, Giám đốc Hội đồng công trình Xanh Việt Nam, ngay vấn đề nội địa hóa sản xuất phần cứng, phần mềm chuyên dụng cho phát triển đô thị thông minh chưa có định hướng rõ nét.

"Thị trường các ứng dụng đô thị thông minh chưa phổ biến; Việc đảm bảo an ninh mạng, phương án dự phòng khi số hóa diện rộng hay tối thiểu nhất là mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực đô thị còn rất hạn chế", ông Vũ Hồng Phong phân tích.

Cần cả doanh nghiệp và người dân vào cuộc

Ông Larry Ng, Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị, Cục Tái thiết Phát triển Đô thị (URA), Bộ Phát triển quốc gia Singapore cho rằng, việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình và các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển các đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề của quốc gia mà còn cần sự đóng góp của cả doanh nghiệp và người dân.

"Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, họ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, để từ đó tạo nên một xã hội thông minh", ông Larry Ng nhấn mạnh.

Đại diện Cục Tái thiết Phát triển Đô thị, Bộ Phát triển quốc gia Singapore nhận định, Việt Nam có dân số tương đối lớn khoảng 90 triệu người. Lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh. Việt Nam cũng là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

"Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo có thể đối phó với những thách thức trong tương lai, tạo không gian cho tăng trưởng, đảm bảo đủ công ăn việc làm và trang bị những kĩ năng cần thiết cho lực lượng lao động, Việt Nam không chỉ cần có một kế hoạch dài hạn mà còn cần một kế hoạch thông minh...", đại diện Bộ Phát triển quốc gia Singapore nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Thái, hiện Bộ Xây dựng đang đề xuất Đề án "Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là Đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao./.


Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên