MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch giá đường bất thường: Nghịch lý từ... nhà máy

12-10-2014 - 12:22 PM |

Giá đường mía (RE) từ bán sỉ cấp 1 tại nhà máy đến bán lẻ ở siêu thị có sự chênh lệch cao bất thường khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên, cả nhà máy đường và siêu thị đều nói không được hưởng lợi từ mức chênh lệch giá cao đó. Nguyên nhân nào?

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, đường RE (loại đóng gói 1kg) bán lẻ ở các siêu thị trên địa bàn Hà Nội hiện có giá từ 21.000 - 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường của các đại lý bán sỉ cấp 1 chỉ từ 14.000- 15.500 đồng/kg tùy loại và theo từng nhà máy. Như vậy, giá đường từ nhà máy đến siêu thị đã tăng khoảng 40- 60%.

Theo tính toán của các nhà kinh doanh thương mại, giá đường RE bán lẻ ở các siêu thị hiện nay chỉ khoảng 17.000- 18.000 đồng/kg là hợp lý, đã bảo đảm lợi nhuận cho nhà máy và chi phí vận chuyển, đóng gói, lợi nhuận siêu thị.

Không chỉ chênh lệch cao từ nhà máy đến kênh bán lẻ, giá bán cùng loại đường tại các siêu thị cũng chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn đường tinh luyện Biên Hòa, siêu thị Big C bán 20.200 đồng/kg, nhưng siêu thị FiviMart bán 24.800 đồng/kg.

Nói về nguyên nhân khiến giá đường chênh lệch bất thường từ nhà máy đến siêu thị, theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, từ nhiều năm nay, các nhà máy đường đã hình thành hệ thống đại lý phân phối cấp 1 và 2, các nhà bán lẻ không thể mua đường trực tiếp với giá bán sỉ cấp 1 mà phải mua qua đại lý với giá cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Đường ăn là mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục hàng hóa bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Các cơ quan quản lý cần áp dụng các biện pháp thích hợp để giá đường không tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.

Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội- hiện chỉ khoảng 10% siêu thị có thể mua được đường trực tiếp của nhà máy, còn lại phải lấy qua nhiều trung gian đại lý cấp 2 và 3. Mỗi cấp chỉ cần thu lợi nhuận 10-15%, thì chênh lệch giá đường đến người tiêu dùng tăng 40- 50% là dễ hiểu…

Tuy nhiên, ông Trịnh Anh Dũng- phụ trách kinh doanh Công ty CP mía đường Lam Sơn- cho biết: Không nhà máy đường nào từ chối cung cấp sản phẩm cho siêu thị, nhất là khi nguồn cung dư thừa như hiện nay. Vấn đề ở chỗ, chính sách mua hàng của siêu thị không phải cùng chia sẻ lợi ích.

Đơn cử, siêu thị Metro chỉ chấp nhận nhà máy gia công sản phẩm cho Metro theo thương hiệu châu Âu. Trong khi đó, nhà máy đầu tư công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư cả khâu bao bì đóng gói lẻ để phân phối, nếu gia công cho Mettro thì đường Lam Sơn sẽ mất thương hiệu.

Ngoài ra, ông Dũng khẳng định, muốn đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ không dễ, các nhà máy đường phải thương thảo không dưới 20 điều khoản mà siêu thị đưa ra từ chiết khấu trực tiếp trên hóa đơn trước, chiết khấu đơn hàng khai trương, chiết khấu thanh toán đúng hạn, thưởng theo doanh số… đến thanh toán chậm, hỗ trợ vận chuyển, bán hàng, hỗ trợ khuyến mại… Rất nhiều chi phí tốn kém (!?).

Về phía ngành đường, ông Nguyễn Hải- Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam- xác nhận: Hiện tượng các nhà bán lẻ không mua được đường trực tiếp từ nhà máy hiện nay là có, nhưng chỉ là số ít nhà máy như vậy. Có doanh nghiệp trên danh nghĩa quản lý nhà máy đường, nhưng lại quản lý cả công ty thương mại, họ buộc nhà máy đường bán sỉ giá cấp 1 chỉ định cho công ty thương mại, sau đó công ty thương mại mới phân phối đường ra ngoài với giá cấp 2 và 3... Cần phải làm rõ vấn đề này trong ngành đường.

>>> Giá đường có thể hồi phục nhờ xu hướng đóng cửa các nhà máy đường

Theo Ngọc Quỳnh

hangnt

Báo Công thương

Trở lên trên