MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may lập kỳ tích xuất khẩu

29-06-2011 - 17:42 PM |

Nếu thị trường không có biến động lớn, nhiều khả năng xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong cả năm 2011 có thể đạt 13,2 tỷ USD.

Đơn hàng xuất khẩu đến quý III, thậm chí cả năm, đã được nhiều doanh nghiệp ký với đối tác; nhiều doanh nghiệp xuất được những lô hàng tự thiết kế với giá trị cao; các thị trường Hoa Kỳ, EU đều tăng lượng hàng nhập khẩu… là những yếu tố đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm đạt 6,16 tỷ USD.

Đây là những tín hiệu vui được ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ tại buổi họp trực tuyến tại Hà Nội với TP.HCM, Đà Nẵng về kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ biến động kinh tế thế giới, cũng như khó khăn, thách thức của kinh tế trong nước, nhưng xuất khẩu toàn ngành dệt may 6 tháng đầu năm vẫn tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo ông Trường, trở ngại lớn nhất mà ngành phải đối mặt thời gian qua là biến động giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá bông xơ (có thời điểm lên tới 5,2 USD/kg), ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm, dịch vụ và khả năng thanh toán, cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trở ngại thứ hai là nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu là đi vay, nhưng với lãi suất cho vay quá cao (20-25%), khiến nhiều doanh nghiệp không thể sử dụng nguồn vốn vay này để kinh doanh hiệu quả. Hơn nữa, việc tiếp cận nguồn vốn cũng không dễ dàng...

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhưng câu chuyện nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất 6 tháng đầu năm cũng khá sôi động. So với cùng kỳ năm 2010, dù lượng nhập khẩu không tăng mạnh, thậm chí, với mặt hàng bông nhập khẩu giảm gần 10% về lượng, nhưng do giá tăng cao, nên về giá trị đã tăng 103%, nhập khẩu vải tăng 38% so với cùng kỳ năm 2010… Tuy nhiên, cân đối cán cân xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã xuất siêu gần 2,1 tỷ USD.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May nhận định, từ nay đến hết năm, nếu thị trường không có biến động lớn, nhiều khả năng xuất khẩu dệt may cả năm của Việt Nam có thể đạt 13,2 tỷ USD, vượt 200-300 triệu USD so với mục tiêu đề ra.

Để tận dụng tối đa thuận lợi về thị trường, đặc biệt là những tín hiệu khả quan từ các thị trường lớn đang gia tăng lượng hàng nhập khẩu (trong 6 tháng đầu năm 2011, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu 7,5%, EU tăng 25%, Nhật Bản tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2010), ngành dệt may đang chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành thực hiện công tác phát triển thị trường, tìm kiếm thêm khách hàng, cắt giảm chi phí hành chính, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ tùng từ nguồn cung cấp nội địa với chất lượng tốt, giá cả phù hợp, hạn chế nhập khẩu, tận dụng các loại nguyên liệu tồn kho chậm luân chuyển để sản xuất các loại sản phẩm mới phục vụ người tiêu dùng…

Thống kê của Tập đoàn cho thấy, qua thực hiện các chương trình tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi tiêu hành chính và một số giải pháp khác, 6 tháng đầu năm 2011, Tập đoàn đã giảm được 10% chi phí so với cùng kỳ năm 2010, tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng…

Bên cạnh các giải pháp tiết kiệm triệt để trong sản xuất, một giải pháp khác đã được ngành thực hiện từ đầu năm và tiếp tục triển khai trong những tháng còn lại là tạm hoãn những dự án, nhất là dự án dệt, nhuộm có vốn đầu tư cao, tỷ suất lợi nhuận/vốn dưới 20% cho đến khi tình hình vĩ mô ổn định hơn. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án (may, sợi) có tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 20% và đã ký kết với khách hàng, thời hạn đầu tư xây dựng ngắn dưới 6 tháng…

Theo Hải Yến
Báo Đầu tư

hangnt

Trở lên trên