MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dồn lực cho những đơn hàng cuối năm

27-09-2013 - 08:51 AM |

Ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện các doanh nghiệp đang “chạy nước rút” để đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh của năm.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - dự báo, các chi phí đầu vào, giá cả nguyên liệu, phụ liệu sẽ tăng vào những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Vì vậy, công ty đã chuẩn bị sớm nguồn nguyên liệu cho cuối năm 2013 và tết năm 2014, thông qua hợp tác với các công ty chăn nuôi. Vissan hiện có 105 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và tăng thêm 5 cửa hàng vào cuối năm nay.

Trong dịp tết, ngoài cung cấp 570 tấn thịt heo và 151 tấn thịt bò mỗi ngày, Vissan còn chuẩn bị 3.666 tấn xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, giò chả để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. “Nguồn thực phẩm của Vissan sẽ cung ứng đủ vào dịp tết và thực hiện bình ổn giá thị trường với giá thấp hơn giá bên ngoài từ 5-10%” - ông Mười cam kết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm đang gặp không ít khó khăn, nhất là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất bánh kẹo cho biết, những năm trước, các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết, DN thường cung ứng tăng 1 đến 2 lần sản lượng so với bình thường, năm nay, khó tìm được DN nào dám sản xuất lượng hàng gấp đôi vì sợ tồn kho.

Chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm tết năm 2014, Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên đang tập trung sản xuất những dòng sản phẩm bánh kẹo có chất lượng và giá thành phù hợp với người tiêu dùng; dự tính sản lượng tăng khoảng 40% so với năm ngoái.

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm và tết năm 2014, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương Đồng Tháp vừa tổ chức hợp tác thương mại và có hơn 100 DN tham gia.

Trong hợp tác này, có 16 thỏa thuận cung ứng của DN Đồng Tháp vào các hệ thống phân phối của TP.Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và ngược lại các DN phân phối trên đầu tư vốn vào các DN của Đồng Tháp để tạo nguyên liệu, sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của nhà phân phối..

Không chỉ có Đồng Tháp, nhiều DN của TP.Hồ Chí Minh còn liên kết đầu tư vào vùng nguyên liệu của nhiều địa phương để tạo nguồn hàng dữ trữ, phục vụ cho thị trường TP.HCM. Saigon Co.op có 5 dự án (khoảng 700 tỷ đồng/năm) đầu tư vào khâu phân phối, sản xuất, ứng vốn, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ;

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn hợp tác cung ứng giống cho 13 tỉnh, thành phố để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao; Công ty Satra đầu tư 7 dự án vào vùng nguyên liệu để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn;

Công ty Ba Huân có 3 dự án liên kết với nông dân Bình Dương, Long An, Kiên Giang, mức đầu tư 350-500 tỷ đồng để cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm.

Để có nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với nhu cầu của người dân, góp phần kiểm soát giá, bình ổn thị trường, ngoài yêu cầu các DN thực hiện đúng hợp đồng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh còn dự kiến tổ chức hội nghị, hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tổ chức ký kết các đơn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết.

Theo Thế Vĩnh

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên