Hàng hoá Tết dự báo không khan hiếm, ít biến động giá
Là thời điểm sôi động nhất năm cả về sản xuất và thương mại để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, đến thời điểm này cả Chính phủ và doanh nghiệp đều đã sẵn sàng các phương án phục vụ Tết.
- 18-02-2015Hà Nội: Giá hàng hóa thiết yếu ngày Tết tăng cao
- 27-01-2015Hàng hóa dồi dào chờ tết
- 21-01-2015Hàng hóa siêu thị phục vụ Tết tăng khoảng 10 – 15%
Do sức mua được dự báo không lớn và lạm phát thấp, hàng hoá năm nay sẽ không khan hiếm và không có biến động giá lớn.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu của cả nước. Đây cũng là hai TP có kinh nghiệm nhất trong việc chuẩn bị hàng hoá dịp này. Sở Công thương Hà Nội dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỉ đồng, để phục vụ nhu cầu của cả người dân thủ đô và khách từ các địa phương khác đổ về. Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, thấp hơn mức tăng của năm ngoái.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị một lượng hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỉ đồng. Tiếp tục truyền thống của các năm trước, hơn 1.000 điểm bán hàng sẽ được triển khai trên toàn thành phố để người dân được tiếp cận với các hàng hoá chất lượng, giá cả phải chăng. Ngoài ra, hàng trăm chuyến bán hàng lưu động khác cũng sẽ được triển khai đến các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành.
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn trị giá hơn 16.000 tỷ đồng đã được chuẩn bị, nhiều điểm bán thực phẩm sạch cũng được triển khai. Các chợ đầu mối, các siêu thị lớn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các loại nhu yếu phẩm cho Tết. Được biết, ngay từ đầu tháng 12, UBND TP đã giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các quận, huyện kiểm tra nguồn hàng thực tế, nhu cầu và kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở, nếu có vướng mắc gì lập tức kiến nghị để UBND TP tháo gỡ. Việc đảm bảo cung ứng tiền mặt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương của người dân, việc đi lại, nhu cầu nhiên liệu cũng đã được lên kế hoạch kỹ càng.
Các địa phương phía Nam như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch cụ thể, đặc biệt Đồng Nai là khu vực tập trung nhiều trang trại chăn nuôi, cung cấp một lượng lớn thịt cho khu vực phía Nam.
Về giá cả, Bộ Công thương dự báo sẽ không có biến động lớn, căn cứ trên diễn biến thị trường vào thời điểm này. Cụ thể, giá hàng hoá trong nước vào ngày 25-12 gần đây đang ở mức ổn định tại cả 3 miền, phổ biến ở 50.000 đồng/kg gà Tam Hoàng hơi (bán buôn), 100.000 đồng/kg gà ta; thịt lợn ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg, thịt bò ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg; các loại rau, đậu... từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Riêng các loại trái cây đặc sản như bưởi, dưa hấu, cam, xoài… được dự báo sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái do sản lượng tại nhiều tỉnh phía Nam có dấu hiệu sụt giảm.
Về vấn đề kiểm soát giá cả, mới đây, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động, có biện pháp kịp thời xử lý tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết; hướng dẫn các địa phương có biện pháp kịp thời, phù hợp để đảm bảo đủ nguồn hàng với giá cả ổn định phục vụ nhân dân.
Bộ Công Thương cũng được giao theo dõi sát diễn biến thị trường cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hoá; tổ chức tốt hệ thống phân phối, điều tiết giữa các vùng, đặc biệt tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ nhân dân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, đảm bảo cho nhân dân cả nước đón một cái Tết bình yên, đầm ấm bên người thân.
Công an nhân dân