MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

10-01-2014 - 07:44 AM |

Mặc dù sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi SX&PP: HT Moring - 126 ấp 7, An Phước, Long Thành, Đồng Nai.

Như đã thông tin, trinh sát Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục kiểm tra thêm 2/8 container còn lại. Trong 2 container này có hơn 90% hàng hóa không đúng như tờ khai hải quan.

Mỹ phẩm “lụi”

Hai container này của Công ty TNHH TM XNK Nhất Minh (trụ sở tại đường Bình Tiên, P.8, Q.6) do bà Trần Thị Thu Sang (24 tuổi, ngụ Q.6) làm giám đốc, nhập về cảng Vict (Q.7) vào ngày 27.12.2013 và được kiểm hóa, thông quan tối 30.12.2013.

Trong tờ khai hải quan, 2 container này có tổng cộng 1.068 kiện hàng với hàng ngàn sản phẩm, trị giá gần 200 triệu đồng, tiền thuế khoảng 40 triệu đồng. Trong đó, hàng hóa được kê khai hải quan như: bộ khóa cửa tay nắm bằng thép, hình dán bằng giấy - nhựa, bạc đạn bánh xe, bàn phím máy tính, dây buộc đồ bằng nhựa, chuột bóng đèn, chụp đèn nhựa mini, dây viền trang trí... 

Tuy nhiên, khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có hơn 90% số lượng hàng hóa không đúng như hàng hóa trong tờ khai hải quan, như: các loại mỹ phẩm (hàng chục ngàn lọ, bình mỹ phẩm), máy xay sinh tố, máy móc... Đáng chú ý, có nhiều loại mỹ phẩm do Trung Quốc sản xuất nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nghiêm trọng hơn là sản phẩm thuốc nhuộm tóc nhãn hiệu 16 Power Hair Color với công dụng chống lại sự khô - xơ tóc, cho màu tóc sáng bóng tự nhiên; trên bao bì in chữ tiếng Anh, tiếng Việt. Mặc dù sản phẩm này được sản xuất ở Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi SX&PP: HT Moring - 126 ấp 7, An Phước, Long Thành, Đồng Nai...

Có sự tiếp tay của nhân viên hải quan ?

Theo hồ sơ, 10 container này đều do 2 nhân viên kiểm hóa Nguyễn Phước Tường và Bùi Anh Tuấn (nhân viên của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV3) kiểm tra thực tế 5% trên tổng số lượng hàng hóa. Kết quả kiểm tra hàng hóa của 2 nhân viên hải quan này ghi nhận 2 container nguyên seal gốc, kiểm tra tỷ lệ 5% (tương đương 26 kiện) tại vị trí đầu container, số hàng hóa giống như nội dung của tờ khai...

Nhưng theo ghi nhận thực tế tại hiện trường sáng 9.1, khi mở 2 container mà nhân viên hải quan đã kiểm tra chỉ phát hiện có khoảng 15 kiện hàng nằm vị trí đầu container bị rạch. Theo quy định, 2 container này phải có ít nhất 52 kiện hàng bị rạch để kiểm tra thực tế. Điều này cho thấy nhân viên hải quan đã kiểm tra không đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, theo thông tin từ cơ quan công an, sau khi điều tra, trinh sát Đội 2 (PC46) đã phát hiện địa chỉ công ty của bà Sang thì có nhưng không gắn biển hiệu công ty, không có máy móc, văn phòng làm việc mà là nhà riêng; còn Công ty TNHH Tân Nhật Huy Vĩnh Đạt (trụ sở trên đường Bình Thới, Q.11) do ông Hồ Sấm Dũng (26 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) làm giám đốc, địa chỉ đúng nhưng là công ty của... người khác!

Đến nay, 2 chủ doanh nghiệp này vẫn chưa đến làm việc với cơ quan công an theo giấy triệu tập đã 10 ngày nay.

Điều chuyển công tác 2 nhân viên hải quan

Trao đổi về vấn đề liên quan đến việc nhân viên hải quan kiểm tra thực tế 5% trên tổng số lượng hàng hóa của 10 container hàng lậu nói trên và cho thông quan, ông Võ Văn Bông, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV3 cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo của Chi cục đã tạm thời điều chuyển 2 nhân viên hải quan Nguyễn Phước Tường và Bùi Anh Tuấn sang làm việc ở khâu nghiệp vụ khác, không trực tiếp kiểm tra hàng hóa và tiếp tục báo cáo làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra thực tế lô hàng vừa qua. 

Riêng trường hợp nhân viên hải quan Hoàng Trường Thọ (là người ký xác nhận giám sát vào thủ tục thông quan) cần phải làm rõ theo quy trình nghiệp vụ xác nhận qua khu vực giám sát mới phát hiện đúng, sai để xử lý.

Theo Đàm Huy

khanhnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên