MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm nhiều hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt

10-05-2013 - 11:49 AM |

Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng tại TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vụ hàng hóa nhập lậu với quy mô lớn, gia tăng về số lượng và chủng loại.

Trong số đó, hàng nhập lậu từ Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao ngày một nhiều.

Ngày 4/5/2013, công an kiểm tra hành lý của ông D (sinh năm 1979, quốc tịch Việt Nam) di chuyển trên chuyến bay QR 604 của hãng hàng không Quata về sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện 2 sừng tê giác, trọng lượng 7,28 kg. Đây là mặt hàng nằm trong sách đỏ, bị quốc tế cấm xuất nhập khẩu. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ để xử lý.

Cùng ngày, Đội quản lý thị trường (QLTT) 12B kiểm tra Công ty Cổ phần Hóa chất Hòa Bình (Tân Thới Hiệp, quận 12), phát hiện công ty này đang dùng hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc hạn sử dụng ngày 4/5/2013 đóng gói ghi hạn sử dụng ngày 10/1/2015.

Trên sản phẩm mới (25 kg/bao) ghi do Công ty Hòa Bình sản xuất nhưng không ghi tên hàng hóa, định lượng, hướng dẫn sử dụng. Số lượng hàng hết hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa gần 50 tấn, trong đó có 10 tấn đã được “kéo dài" tuổi thọ thêm 1-2 năm, giá trị hàng vi phạm 2 tỷ đồng.

Trong 1 tuần (từ ngày 24/4 - 2/5), Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh đã xử phạt 22 vụ vi phạm, phần nhiều là hàng nhập lậu. Đầu tháng 5, Đội QLTT huyện Củ Chi tạm giữ 468 chai sữa Ensure do Mỹ sản xuất, 120 chai sữa Glucerna do Mexico sản xuất, 72 chai bia hiệu Corona và 144 lon nước ngọt nhập lậu của 1 xe gắn máy và 1 xe khách trên quốc lộ 22 nhưng không ai nhận là chủ hàng.

Trước đó, kiểm tra nhà số 205A/19 Âu Cơ, quận 11, công an đã thu giữ hơn 20 loại thuốc thần dược tăng cường sinh lý đàn ông với khoảng 250kg, gần 50kg bao bì, tem nhãn nhập lậu. Tại kho hàng 633/12/38 Hồng Bàng, quận 6, Đội QLTT 6B phát hiện 1.050 kg tăm xỉa răng Trung Quốc nhập lậu có dấu hiệu giả nhãn hiệu Minh Phương (Bình Dương) và hiệu Kim Phước.

Hàng nhập lậu thôn tính thị trường không chỉ gây họa cho doanh nghiệp sản xuất trong nước về số lượng nhiều, mẫu mã đẹp, giá cực rẻ mà nhiều lô hàng đã đội lốt “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trong tháng 4, 11 vụ bột ngọt nhập lậu đã bị phát hiện.

Tại một căn nhà đường Huỳnh Văn Nghệ (Tân Bình), 20 bao (25 kg/bao) bột ngọt Trung Quốc, 210 kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, 8 kg bao nylon đựng bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto nhập lậu đã bị thu giữ. Ngoài bột ngọt, còn có 445 kg bột giặt Omo, 14 kg bao bì nylon đựng bột giặt giả nhãn hiệu Omo.

Hàng nhập lậu thâm nhập vào thị trường chiếm đa số là hàng Trung Quốc và đang biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, trong đó chiêu được áp dụng phổ biến là gắn mác hàng Việt, thay tên và cạo sửa nguồn gốc sản xuất.

Ông Trần Gia Bình - Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vũ Nghi (quận 12) - bức xúc: “Hàng lậu gắn mác hàng Việt Nam, nhà sản xuất có sản phẩm bị đánh cắp thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép, còn người tiêu dùng thì lãnh đủ vì chất lượng hàng thường rất kém, thậm chí độc hại, bởi không ai kiểm soát chất lượng”.

 Để giảm bớt hậu họa từ hàng nhập lậu, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh buôn bán hàng nhập lậu; người tiêu dùng cần ưu tiên dùng hàng Việt và hạn chế mua bán các loại hàng hóa không rõ xuất xứ, giá rẻ nhâp lậu.

Chỉ riêng tháng 4, QLTT TP.HCM xử lý 392 vụ vi phạm (tăng 49 vụ so với tháng 3), thu giữ 277.506 sản phẩm điện máy, 26.336 kg các mặt hàng thực phẩm, 12.201 m vải, 89.519 viên thuốc tân dược, 3.822kg bột ngọt Trung Quốc, 210 kg bột ngọt Trung Quốc giả Ajinomoto nhập lậu.

Theo Thế Vĩnh

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên