MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuốc hàm lượng “lạ” vẫn trúng thầu: Ai hưởng lợi?

04-07-2013 - 16:20 PM |

Với “chiêu” thay đổi hàm lượng thuốc, một số công ty dược đã trúng thầu vào các bệnh viện với giá cao ngất ngưởng.

Sự việc này vừa bị Bảo hiểm xã hội Việt Nam “thổi còi” nhưng xem ra các địa phương có thuốc trúng thầu đang “dở khóc, dở cười”. Và trên hết, liệu đằng sau đó có lợi ích nhóm hay không?

Thuốc hàm lượng bất thường, giá trên trời

Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên công bố kết quả đấu thầu thuốc vào bệnh viện cho năm 2013 theo quy chế mới của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 01) về hướng dẫn đấu thầu thuốc vô bệnh viện công lập. Theo đó, với một bệnh viện đa khoa tỉnh và 6 bệnh viện huyện, một phòng khám thành phố, giá trị thuốc trúng thầu vào các cơ sở y tế công lập của tỉnh Bình Dương lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong số những thuốc trúng thầu có thuốc kháng sinh, giảm đau mang tên Cefalexin 350mg có giá cao bất thường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc Cefalexin 350mg của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap (Việt Nam) trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên, trong khi cùng thuốc này, hàm lượng 250mg (hàm lượng thông thường) cũng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương, cũng được sản xuất tại Việt Nam nhưng của một công ty dược khác chỉ có giá 470 đồng/viên. 

Như vậy, tính ra giá thuốc Cefalexin 350mg trúng thầu vào Bình Dương đã cao gấp hơn 3 lần so với thuốc cùng loại thông thường. Thậm chí, loại thuốc Cefalexin 500mg của một công ty dược khác trúng thầu vào Bình Dương cũng chỉ có mức giá là 725 đồng/viên, rẻ hơn nhiều so với thuốc Cefalexin 350mg. 

Vậy vì sao Cefalexin 350mg lại có giá trúng thầu cao khác thường như vậy? Theo các chuyên gia dược học, hàm lượng Cefalexin 350mg là hàm lượng không bình thường vì theo Dược thư quốc gia thì hàm lượng thuốc kháng sinh Cefalexin viên nén, viên nang gồm các loại 250mg, 500mg và 1.000mg. Do đó, Cefalexin 350mg là một hàm lượng “lạ” mà chưa thể hiểu được mục đích của nhà sản xuất? Tuy nhiên, vì sao các cơ sở y tế ở Bình Dương chấp nhận hàm lượng Cefalexin 350mg và cho trúng thầu với giá cao ngất ngưởng là một dấu hỏi rất lớn!

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trong danh mục thuốc trúng thầu vào một số bệnh viện còn có thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg của một công ty trúng thầu có giá bao gồm VAT là 99.000 đồng/lọ. Trong khi dạng thuốc phối hợp tương tự của một công ty dược khác cũng trúng thầu có hàm lượng 1,5g + 1,5g chỉ có giá 59.000 đồng/lọ. 

Hay như thuốc Cefotaxim hàm lượng 1,5g trúng thầu giá 35.000 đồng/lọ, trong khi cùng hoạt chất nhưng hàm lượng 1g chỉ có giá trúng thầu 9.350 - 25.000 đồng/lọ. Thuốc Ceftazidim hàm lượng 1,25g trúng thầu giá 59.000 đồng/lọ, trong khi Ceftazidim hàm lượng 1g cùng nguồn gốc Việt Nam, cùng danh mục trúng thầu chỉ có giá 30.000 đồng/lọ… Trong khi Ceftazidim hàm lượng 1,25g là bất thường vì theo Dược thư quốc gia, hàm lượng Ceftazidim thông thường lọ 250mg, 500mg, 1g, 2g, 6g.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài Bình Dương, Bình Thuận, một số tỉnh khác đã công bố kết quả đấu thầu thuốc vào bệnh viện năm 2013 theo Thông tư 01, cho thấy có nhiều loại thuốc trúng thầu có hàm lượng không bình thường như các hàm lượng 300mg, 350mg, 700mg, 2,25g, 1,25g… Điều đáng nói, hầu hết các loại thuốc có hàm lượng khác thường  đều có giá cao hơn 2 - 5 lần so với các thuốc cùng hoạt chất nhưng ở hàm lượng bình thường.

Tạo sự “độc quyền” hay lợi ích nhóm?

Bên cạnh giá trúng thầu quá cao, thuốc có hàm lượng bất thường đang khiến không ít bác sĩ băn khoăn vì liệu hiệu quả điều trị có đáp ứng. Một bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM cho biết hàm lượng thuốc được kê dựa trên cân nặng của bệnh nhân. Do đó, nếu hàm lượng không bình thường có thể cho bệnh nhân uống dư hàm lượng hoặc thiếu hàm lượng và đều dẫn đến “lợi bất cập hại”. 

Còn theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện - Hội Dược học TPHCM, một số nhà sản xuất đưa ra thuốc có hàm lượng “lạ” là một hình thức nhằm tạo ra thế độc quyền. Từ đó, độc quyền về giá và thậm chí các cơ sở y tế có thể chỉ định trúng thầu mà không cần qua đấu thầu. Hơn nữa, nếu đã sản xuất thuốc có hàm lượng khác thì phải xem nhóm đối tượng bệnh nhân có phù hợp hay không chứ không thể áp dụng cho đại đa số bệnh nhân được. Thậm chí, đối với những loại thuốc có hàm lượng “lạ” cần hội chẩn trước khi kê toa.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết đã rà soát lại các loại thuốc trúng thầu vào các cơ sở y tế của tỉnh từ đầu năm đến nay và đúng là có tình trạng một số thuốc có hàm lượng “lạ” trúng thầu với giá cao. 

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao Sở Y tế Bình Dương vẫn cho trúng thầu và liệu có “lợi ích nhóm” hay không, ông Châu nói là dựa trên nhu cầu sử dụng thuốc của các bệnh viện trình lên. “Thủ tục đấu thầu không sai nhưng quả là giá cao bất thường so với thuốc có hàm lượng thông thường” - ông Châu nói và cho biết đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh và sẽ sớm mời công ty dược trúng thầu đến đàm phán giảm giá. 

“Nếu công ty dược không giảm giá, chúng tôi sẽ siết quản lý bằng cách hội chẩn mới cho kê đơn hoặc không mua hết số lượng đã trúng thầu” - ông Châu cho biết. Còn ông Lê Quang Doãn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bình Dương, nói là các bệnh viện phải giải trình được vì sao có nhu cầu sử dụng các loại thuốc có hàm lượng “lạ” và phải chứng minh giá cả phù hợp thì mới cho thanh toán bảo hiểm y tế.

Trước tình trạng “loạn” giá trúng thầu với thuốc có hàm lượng bất thường nói trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương rà soát và phải điều chỉnh lại giá sát với giá thuốc có hàm lượng thông thường, nếu không bảo hiểm y tế sẽ từ chối thanh toán nếu có giá bất hợp lý. Tuy nhiên, qua đó để thấy rằng quy chế về đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện vẫn còn kẽ hở và hội đồng xét duyệt đấu thầu thuốc của các địa phương còn thiếu sự thẩm định chặt nếu không nói là có “lợi ích nhóm”!

Theo Tường Lâm

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên