Hàng trăm nghìn tỷ đồng dự kiến đổ vào các dự án phát triển công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên
Các DN lớn như Thaco, Hòa Phát, Đức Giang... đang đề xuất những dự án rất lớn để phát triển dự án khai thác quặng, xây dựng nhà máy điện phân nhôm để phát triển ngành công nghiệp này ở Tây Nguyên.
- 29-08-2022Ngành dược Việt đang có gì để hấp dẫn hàng loạt nhà đầu tư ngoại?
- 29-08-2022Đường vào PTL của nhóm nhân sự 'gốc' Đất Xanh
- 29-08-2022Sun Group được chấp thuận đầu tư 2 dự án 9.000 tỉ đồng ở Hòa Bình
Sở hữu trữ lượng quặng bô xít lớn nhất cả nước, Tây Nguyên từ lâu đã là địa phương được nhiều doanh nghiệp có tham vọng đầu tư các dự án khai thác khoáng sản lựa chọn. Mới đây nhất, ngày 23/8, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp Nhà máy tuyển bô xít và chế biến Alumin của Thaco.
Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng , diện tích nghiên cứu 1.150 ha. Bao gồm: Nhà máy tuyển quặng bô xít quy mô 500 ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm; nhà máy chế biến alumin quy mô 500 ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm; nhà máy sản xuất nhôm quy mô 150 ha, công suất 300.000 tấn/năm.
Khu vực khai thác mỏ có quy mô 107,66 km2, thuộc địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), xã ĐamB'ri và phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) với tổng trữ lượng là 573,1 triệu tấn quặng thô.
Bô xit là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al).
Nhà máy chế biến alumin tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
Thaco cho biết, vùng nguyên liệu này có thể đáp ứng được nhu cầu của dự án trong vòng 30 năm. Với trữ lượng đánh giá sơ bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn dồi dào, tập đoàn sẽ tiến hành khảo sát thăm dò mở rộng khai thác đảm bảo cho dự án hoạt động lâu dài.
Cũng trên địa bàn Lâm Đồng, vào đầu tháng 4, CTCP Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đề xuất được tài trợ quy hoạch chi tiết cho loạt dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm của tỉnh để tạo động lực phát triển bền vững trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Cụ thể, Sovico đề xuất đầu tư dự án điện phân Nhôm tại huyện Bảo Lâm với chức năng khu công nghiệp liên hoàn. Dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bô xít, sản xuất alumin, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng. Quy mô dự án khoảng 2.000ha.
Còn ở tỉnh Đắk Nông - tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước, trong tháng 4, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất khảo sát đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D'rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N'Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song).
Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông hôm 8/4/2022. Ảnh: PTD
Tập đoàn đồng thời đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư, Tập đoàn Hòa Phát cam kết tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng với tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án là khoảng 4,3 tỷ USD.
Đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp - 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Đắk Nông. Lãnh đạo tỉnh đánh giá dự án này có tính chất tổ hợp, góp phần khai thác, chế biến và nâng cao giá trị bô xít của tỉnh.
Cùng với đó, cũng trong tháng 4/2022, CTCP Tập đoàn Việt Phương (thuộc Tập đoàn Việt Phương) đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư tại tỉnh.
Dự án mà Tập đoàn Việt Phương muốn đầu tư vào tỉnh là:Dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong với diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW và dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Việt Phương xin chủ trương đầu tư cho 4 dự án "khủng" tại Đắk Nông. Ảnh: Báo Đắk Nông
Là "đại gia" ngành hóa chất sở hữu quy trình và bộ máy hoạt động công nghiệp lớn, Đức Giang là tên tuổi tiếp bước những đơn vị khác lấn sân vào mảng bô xít. Tháng 6/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hóa chất Đức Giang nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song).
Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng. Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách hàng năm khi đi vào hoạt động.
Như vậy, chỉ trong 8 tháng đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch rót vào các dự án bô xít ở Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư dự kiến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Tại Tây Nguyên hiện nay, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang sở hữu 2 nhà máy trong ngành công nghiệp Nhôm là Nhôm Đắk Nông (nhà máy Alumin Nhân Cơ) và Nhôm Lâm Đồng với doanh thu của mỗi đơn vị khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Nhịp sống kinh tế