MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng tỷ cổ phiếu 'xếp hàng' chờ lên HoSE

Hiện có 12 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết HoSE và đang trong danh sách chờ xem xét. MSB sẽ là ngân hàng thứ 11 niêm yết tại HoSE với khối lượng 1,175 tỷ cổ phiếu. Tập đoàn Cao su là tập đoàn kinh tế Nhà nước thứ 3 niêm yết, số lượng 4 tỷ cổ phiếu.Các doanh nghiệp Hóa Chất Đức Giang, An Gia, Nhựa Hà Nội… cũng sắp niêm yết.

Trái ngược với việc liên tục có doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô lên niêm yết trong năm 2017, 2018, do diễn biến thị trường kém khả quan, rất ít doanh 'chào' sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) trong năm 2019. Tuy nhiên, trong 2 tháng quá, hàng loạt doanh nghiệp nộp hồ sơ lên HoSE, trong đó có những doanh vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng.

Ngày 19/11, HoSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Đây là công ty thứ 12 nằm trong danh sách xem xét niêm yết tại HoSE.

Hàng tỷ cổ phiếu xếp hàng chờ lên HoSE - Ảnh 1.

12 doanh nghiệp đang chờ xem xét niêm yết.

Ngân hàng thứ 11 niêm yết HoSE

MSB là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2019. Nếu được HoSE chấp thuận, đây sẽ là ngân hàng thứ 11 được giao dịch tại HoSE và nhà băng thứ 20 xuất hiện trên sàn chứng khoán.

Ngân hàng Hàng Hải được thành lập năm 1991 tại thành phố Hải Phòng với số vốn điều lệ ban đầu 40 tỷ đồng, chuyển hội sở về Hà Nội vào năm 2005. Đến 2015, ngân hàng thực hiện sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát Triển Mê Kông và mua lại Công ty Tài Chính Cổ Phần Dệt May Việt Nam để nâng số vốn điều lệ lên 11.750 tỷ đồng. Hệ thống giao dịch MSB hiện có 274 chi nhánh/phòng giao dịch, 500 máy ATM và phủ rộng tại 51/64 tỉnh thành.

Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức với hạn chót là năm 2020.

Trong năm nay, các ngân hàng VIB, NamABank và LienVietPostBank cũng có kế hoạch niêm yết trên HoSE.

Trước khi lên sàn, cổ phiếu MSB từng được nhiều tổ chức rao bán nhưng không thu hút nhiều nhà đầu tư. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC) từng rao bán cổ phần MSB từ năm 2016 nhưng không thành công và lần gần đây nhất vào tháng 3/2018, SCIC đấu giá 2,4 triệu cổ phiếu MSB với giá 12.400 đồng/cp, kết quả vẫn không có nhà đầu tư tham gia.

Hay như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào đầu năm 2018 cũng từng thông báo đấu giá lần thứ 3 nguyên lô hơn 71 triệu cổ phần MSB với giá 11.900 đồng/cp, kết quả vẫn ế ẩm.

Vào tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng mang ra đấu giá 4 triệu cổ phần MSB tại mức khởi điểm 11.800 đồng/cp. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia mua 1.800 cổ phiếu.

Trước khi có thông tin niêm yết, cổ phiếu MSB được giao dịch trên hệ thống sàn OTC với giá chỉ khoảng 7.000 - 9.000 đồng/cp. Hiện nay cổ phiếu đang được thỏa thuận với vùng giá trên 10.000 đồng/cp.

Về hoạt động kinh doanh, MSB ghi nhận sự tăng trưởng lớn trong năm 2018 với thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.900 tỷ đồng và có lãi sau thuế 868 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với năm trước.

Hàng tỷ cổ phiếu xếp hàng chờ lên HoSE - Ảnh 3.

Trong 9 tháng năm 2019, kết quả kinh doanh của MSB tiếp tục có kết quả khả quan với thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận sau thuế thu về 868 tỷ đồng, bằng cả năm 2018 và gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn kinh tế Nhà nước thứ 3 niêm yết

Hiện Việt Nam có 10 tập đoàn kinh tế Nhà nước đang hoạt động, trong đó có 4 đơn vị đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Riêng tại sàn niêm yết HoSE đang có 2 đơn vị là Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex và Tập đoàn Bảo Việt. Sắp tới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( GVR ) cũng sẽ chuyển từ UPCoM qua HoSE.

Tập đoàn Cao su tiền thân là Ban Cao su Nam bộ và chính thức chuyển sang mô hình tập đoàn vào năm 2006 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đầu năm 2018, GVR cổ phần hóa nhưng chỉ bán được 1/5 lượng chào bán, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 96,77% vốn.

Cổ phiếu GVR chính thức giao dịch trên UPCoM từ tháng 3/2018 trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất đạt 40.000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường lớn thứ 4, đạt 56.000 đồng (chỉ xếp sau Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Viettel Global (VGI) và VEAM Corp (VEA)).

Hàng tỷ cổ phiếu xếp hàng chờ lên HoSE - Ảnh 4.

Tập đoàn Cao su có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM.

Tập đoàn Cao su hiện sở hữu quy mô tài sản lên đến 76.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay khoảng 16% tổng tài sản, quản lý quỹ đất khổng lồ với 474.000ha đất nông nghiệp và 18.000ha đất phi nông nghiệp trải dài khắp Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngoài ra, GVR cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền khổng lồ trên 11.000 tỷ đồng đảm bảo cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Tập đoàn còn sở hữu hệ thống 105 công ty con, tiêu biểu như Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Đồng Phú, Nam Tân Uyên, Bình Long, Gỗ Thuận An… và 21 công ty liên kết.

Về định hướng chiến lược, Tập đoàn đã vạch ra kế hoạch kinh doanh rõ ràng tại 5 lĩnh vực cốt lõi bao gồm: mủ cao su, sản phẩm từ cao su, khu công nghiệp, chế biến gỗ và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đáng kể nhất là việc đẩy mạnh mảng kinh doanh khu công nghiệp nhiều tiềm năng, lợi nhuận cao với những đầu tàu như Nam Tân Uyên, Phước Hòa…

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng, GVR ghi nhận doanh thu thuần 12.948 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.309 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp cao su này chỉ mới hoàn thành được 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hóa chất Đức Giang, An Gia, Nhựa Hà Nội… sắp niêm yết

Ngoài 2 doanh nghiệp có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng trên, thị trường niêm yết HoSE sắp tới còn đón nhận nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ( HNX: DGC ) đã nộp hồ sơ chuyển niêm yết vào đầu tháng 11 với khối lượng đăng ký hơn 129 triệu cổ phiếu. Hiện cổ phiếu DGC niêm yết tại sàn HNX với thị giá 26.700 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa gần 3.500 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1963, thương hiệu nổi tiếng gắn liên với doanh nghiệp là sản phẩm “Bột giặt Đức Giang”. Công ty cổ phần hóa năm 2004 và hiện phần lớn cổ phần thuộc về nhóm cổ đông của Chủ tịch Đào Hữu Huyền.

Hoạt động chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu…tập đoàn kinh tế tư nhân này có doanh thu khoảng hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Kết quả kinh doanh 9 tháng năm nay, DGC ghi nhận doanh thu giảm 12% còn 3.641 tỷ đồng và lãi sau thuế 397 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết HoSE với khối lượng 75 triệu cổ phiếu, đây là bước đi nhằm hiện thực hóa kế hoạch lên sàn vào tháng 12 năm nay. Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã nhận lưu ký số cổ phiếu trên với mã chứng khoán AGG từ 22/11.

An Gia là doanh nghiệp bất động sản tầm trung tại khu vực phía Nam, các sản phẩm được phát triển ở chủ yếu ở TP HCM và một số tỉnh lân cận. Trong 5 năm ở vai trò chủ đầu tư, An Gia đã phát triển thành công hơn 10.000 căn hộ, gần 1 triệu m2 diện tích sàn.

Hàng tỷ cổ phiếu xếp hàng chờ lên HoSE - Ảnh 5.

Cảnh quan dự án The Sóng của An Gia tại TP Vũng Tàu.

Năm 2018, An Gia đạt doanh thu thuần 1.125 tỷ đồng, tăng 14% nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp 5,5 lần năm trước, lên gần 292 tỷ đồng. Số liệu cập nhật 8 tháng cho thấy An Gia vẫn bán được hơn 1.100 sản phẩm, ghi nhận doanh số hơn 2.300 tỷ đồng.

CTCP Nhựa Hà Nội ( UPCoM: NHH ) nộp hồ sơ niêm yết vào 18/9 với khối lượng 34,4 triệu cổ phiếu. Cuối tuần trước, HoSE đã ra thông báo chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Nhựa Hà Nội.

Mảng kinh doanh chính của Nhựa Hà Nội là sản xuất các sản phẩm nhựa  trong công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp sản xuất…cho nhiều đối tác lớn như Piaggio, Panasonic, LGE, VinFast, Toyota… Đây là một đơn vị thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings khi tổ chức này nắm giữ 53,2% vốn NHH.

Kết quả kinh doanh 9 tháng, Nhựa Hà Nội đạt doanh thu thuần 864,5 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng, cao hơn 30%. Cả năm, ban lãnh đạo ước tính công ty sẽ đạt 1.030 tỷ doanh thu và 67 tỷ đồng lãi sau thuế.

Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp khác tên tuổi cũng đã nộp hồ sơ niêm yết tại HoSE có thể kể đến như Bảo hiểm Quân đội (MIG), Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI), Dược phẩm Bến Tre (DBT)… Dù đã nộp hồ sơ nhưng các công ty phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ bổ sung theo yêu cầu và phải được chấp thuận của HoSE trước khi được chính thức niêm yết.

Mới đây nhất, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, UPCoM: BCM ) đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCom và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Doanh nghiệp dự kiến sẽ đăng ký niêm yết trên HoSE với khối lượng 1,035 tỷ cổ phiếu. Thời gian thực hiện chuyển sàn ngay trong quý IV và dự kiến giao dịch chính thức vào đầu tháng 1/2020.

Cuối tháng 10, HoSE từng quyết định dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Licogi 14 do không nhận được hồ sơ chỉnh sửa bổ sung theo yêu cầu. HoSE còn dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết của Giấy Hoàng Hà Hải Phòng và Tiên Sơn Thanh Hóa do 2 đơn vị này xin rút hồ sơ cũng trong tháng 10.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên