MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng tỷ USD chờ giải ngân, nhà đầu tư Việt vẫn đang bị treo một "cây đũa thần tạo tiền"

Giới đầu tư chứng khoán đặc biệt nhạy cảm với cụm từ “siết margin”. Dòng tiền trong giai đoạn thị trường hưng phấn đều sẽ được tận dụng tối đa. Vòng quay của tiền được đẩy lên tối đa khi nhà đầu tư “full margin”, tức là mua hết hạn mức mà CTCK cho phép.

Nỗi lo margin

Thứ sáu tuần trước (12/1), thanh khoản thị trường tăng vọt lên 12.500 tỷ, tin tức về một dự thảo giảm tỷ lệ margin đã manh nha xuất hiện trên thị trường. Hoạt động chốt lời được đẩy mạnh ngay buổi chiều thứ Sáu. Sang tuần, lực mua hừng hực từ khối nhà đầu tư cá nhân đã lấn át hoàn toàn nỗi lo về margin, Vn-Index tiếp tục tăng 13 điểm lên 1.063 điểm, hoàn thành chuỗi “bất bại” 6 phiên liên tiếp. Nếu nhìn rộng ra, VN-Index đã tăng một mạch từ 833 điểm vào đầu tháng 11, mức tăng 230 điểm chỉ trong 12 tuần.

Hàng tỷ USD chờ giải ngân, nhà đầu tư Việt vẫn đang bị treo một cây đũa thần tạo tiền - Ảnh 1.

Khi truyền thông đăng tải thông tin về một dự thảo của UBCK về việc điều chỉnh lại tỷ lệ ký quỹ từ 50-50 về 60-40, lãnh đạo UBCK đã giải thích điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và hoàn cảnh thị trường hiện tại.

Trước đây ở thời điểm thị trường giao dịch 3.000 tỷ/phiên, việc nới margin 50-50 sẽ kích thích tăng thanh khoản, nhưng khi giao dịch đã lên đến 10.000 tỷ/phiên như hiện tại, dưới góc độ của cơ quan quản lý cần có những bước đi thận trọng hơn. Rõ ràng nếu nói việc siết margin không ảnh hưởng gì đến thị trường có phần hơi khiên cưỡng. Với những nhà đầu tư đã bán cổ phiếu, sức mua trong lần kế tiếp sẽ không nhiều như cũ khi các CTCK chủ động cắt giảm margin về tỷ lệ an toàn.

Phiên giao dịch 10.000 tỷ ngày hôm nay (17/1) xuất phát từ thông tin UBCK sẽ thanh tra margin tại một vài CTCK. Hoạt động này là bình thường và định kỳ để đảm bảo sự bền vững của dòng tiền trên thị trường, nhưng nó được thổi phồng khiến VN-Index đóng cửa giảm hơn 28 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua (ngày 18/1/2016 Vn-Index giảm 3%).

Nhưng việc giảm tỷ lệ margin có quá đáng sợ và dòng tiền giao dịch trên thị trường có bị co hẹp?

Trao đổi với Thời báo Tài chính, Chủ tịch UBCK ông Trần Dũng cho rằng: “Theo số liệu giám sát của UBCKNN cho thấy, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ do các CTCK tài trợ cho thị trường đến cuối năm 2017 đạt khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2016, chiếm khoảng 1% mức vốn hóa thị trường. Qua tham khảo một số TTCK trên thế giới, tỷ lệ dư nợ giao dịch ký quỹ/mức vốn hóa thị trường ở mức khoảng 2%. Như vậy, tỷ lệ của thị trường Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn theo thông lệ thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ từ các CTCK, còn có nguồn vốn khác từ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, trên thực tế mức tài trợ cho giao dịch chứng khoán lớn hơn mức 1% vốn hóa thị trường.

Ngoài ra, dư nợ ký quỹ cũng ở mức tương đối so với tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK. Việc tiếp tục tăng có thể có những ảnh hưởng đến mức độ an toàn của hệ thống các CTCK. Và đây mới là lý do chính yếu cần điều chỉnh để hướng tới tính an toàn, bền vững cho CTCK nói riêng và thị trường nói chung.

Quy định này chỉ ảnh hưởng đến khoản vay mới phát sinh sau ngày có hiệu lực mà không ảnh hưởng đến các khoản vay đã giải ngân trước đó.”

Số liệu của UBCK cho rằng margin trên trường vẫn ở ngưỡng cho phép. Nhưng con số 38.000 tỷ chỉ ở thời điểm, thực tế số 38.000 tỷ này được xoay vòng T+3, T+5, T+10... và nhân lên rất nhiều lần.

“Cây đũa thần tạo tiền” vẫn đang bị treo

Trao đổi với một lãnh đạo ngành chứng khoán, vị này cho rằng margin là một công cụ điều tiết của cơ quan quản lý thị trường và rõ ràng ở thời điểm hiện tại cấp quản lý mong muốn một sự bền vững dài hạn thay vì thành tích của điểm số Vn-Index.

Nếu so sánh thời điểm cách đây 11 năm, giai đoạn 2007 Vn-Index chạm mốc 1.000 điểm, rõ ràng thị trường hiện tại đã bền vững hơn rất nhiều. Chủ tịch UBCK cũng cho rằng các giới hạn cho vay hiện nay vẫn trong hạn mức quy định và theo khẩu vị rủi ro của từng CTCK, giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay tính theo giá thị trường vẫn cao, trung bình từ 2,5 đến 3 lần dư nợ cho vay.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng thị trường hiện tại chưa tăng nóng. Việc siết margin ở một mức độ nào đó là cần thiết. Nhưng nếu không phụ thuộc margin, còn công cụ nào giúp nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình tạo tiền không? Thực tế là chúng ta đang bỏ quên một “cây gậy tạo tiền” đó chính là giao dịch trong ngày.

Tháng 1/2016, Thông tư 203 được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ 1/7/2016 trong đó điều 7 của Thông tư cho phép nhà đầu tư được mua bán chứng khoán chờ về. Thông tư 203 cũng quy định rõ việc giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối tượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày).

Luật đã có từ cách đây 2 năm nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực thi. Hiện nay mặc dù chúng ta đang nói rằng đã giảm thời gian thanh toán xuống T+2 nhưng thực chất đến 3h chiều ngày T+2 cổ phiếu mới về đến tài khoản nhà đầu tư, và do đó sáng ngày T+3 nhà đầu tư mới được bán cổ phiếu. Điều này tương tự với tiền chứng khoán bán chứng khoán. Theo lời lãnh đạo ngành, điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư. Nếu được “thả” giao dịch T+0, vòng quay tiền sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều và nhà đầu tư có thể tự bảo vệ mình khi có diễn biến mới, không cần phải chờ đến T+3.

Hàng tỷ USD nằm chờ giải ngân

Ở một diễn biến khác, dòng vốn chờ giải ngân hiện tại là tương đối lớn. Quỹ Hàn Quốc KITMC, chỉ trong 2 tháng kể từ ngày 20/11 đến 17/1 tổng tài sản đã tăng vọt từ gần 400 triệu USD lên 905 triệu USD (tăng liên tục không ngừng). Không kể đến danh mục thị trường của KITMC tăng mạnh cùng với đà tăng của VN-Index, dòng vốn rẻ từ Hàn Quốc đã đổ vào Việt Nam thông qua quỹ này chờ giải ngân.

Trong nước, các quỹ nội địa cũng liên tục nhận được nguồn tiền ủy thác mới từ các nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, trong năm qua, ngoài top 10 các CTCK lớn đa phần là các CTCK nội thì đã có một làn sóng “thay da đổi thịt” tại các CTCK nhỏ và vừa, khi các đại gia Hàn Quốc và Trung Quốc đã mua lại các CTCK như Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc thông qua thương vụ M&A giúp Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc nắm giữ 99,4% cổ phần của chứng khoán Maritime (MSI) sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng; chứng khoán Maybank KimEng 100% vốn Hàn Quốc, chứng khoán Hòa Trung Việt Nam do nhà đầu tư Trung Quốc mua lại và đổi tên từ chứng khoán Tầm Nhìn…nhiều người cho rằng dòng vốn giá rẻ từ Hàn Quốc, Trung Quốc bằng cách này hay cách khác đã chảy vào Việt Nam qua các CTCK vốn ngoại trên.

Đây là thời điểm đầu năm và các quỹ đầu tư phải săn tìm các cổ phiếu mới để giải ngân. Năm ngoái không có nhiều quỹ bắt kịp đà tăng của Index và năm nay sẽ là cơ hội để họ “phục thù”. Sức mua của các đợt IPO thời gian gần đây đã minh chứng cho dòng tiền trở lại TTCK. Phiên đấu giá cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa kết thúc với mức giá bình quân 23.000 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm 57% trong đó lượng đặt mua gấp 2,7 lượng chào bán. Hơn 400 triệu cổ phiếu "mua trượt" Bình Sơn sẽ quay sang đi tìm các cổ phiếu khác để giải ngân.

Trong khi các nhà đầu tư trong nước bán ra, khối ngoại đã mua ròng 16 phiên liên tiếp với giá trị mua ròng bình quân trên 400 tỷ/phiên.

Theo Hoàng Ly

Người đồng hành

Trở lên trên