MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt 'lép vế' trên Shopee, Lazada...: Tỷ lệ hàng nội địa được tìm mua chưa đến 20%

Hàng Việt 'lép vế' trên Shopee, Lazada...: Tỷ lệ hàng nội địa được tìm mua chưa đến 20%

Theo báo cáo mới nhất của iPrice, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều hứa hẹn cho thương mại điện tử (TMĐT). Thế nhưng, các thương hiệu Việt Nam dường như lại đang "lép vế" hơn so với các sản phẩm nước ngoài.

Thương hiệu Việt "lép vế" trước đối thủ ngoại

Theo báo cáo mới nhất của iPrice về sự khác biệt giữa sản phẩm mang thương hiệu Việt và các sản phẩm nước ngoài, Việt Nam được đánh giá là một thị trường nhiều hứa hẹn cho thương mại điện tử (TMĐT), với tỷ lệ người tiêu dùng Việt tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực. Thế nhưng, các thương hiệu Việt Nam dường như lại đang "lép vế" hơn so với các sản phẩm nước ngoài.

Báo cáo chỉ ra rằng, trên thực tế, các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn TMĐT trong năm 2020 và nửa đầu 2021, và con số này có xu hướng suy giảm. Trong khi đó, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn TMĐT là hàng ngoại nhập.

Cụ thể, trong top 1200 sản phẩm bán chạy, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Nếu xét riêng từng sàn TMĐT, Sendo là kênh TMĐT có số lượng hàng hóa "made in Vietnam" được tìm mua nhiều nhất, với 25% trong số sản phẩm phổ biến trên Sendo là hàng Việt. Theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Hàng Việt lép vế trên Shopee, Lazada...: Tỷ lệ hàng nội địa được tìm mua chưa đến 20% - Ảnh 1.

Sendo là kênh TMĐT có số lượng hàng hóa "made in Vietnam" được tìm mua nhiều nhất. Nguồn: iPrice

Sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng trong nước chỉ còn chiếm 14% trong top bán chạy. Dẫn đầu là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).

Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt.

Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này vô hình trung làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.

Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Lãnh đạo Sendo cũng bày tỏ mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam.

Hàng Việt chiếm ưu thế trong danh mục hàng bách hóa

Cũng theo iPrice, điểm sáng là hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa, vốn là ngành hàng "hot" trong mùa dịch. Cụ thể, Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước. Con số này ở sàn Tiki là 63%.

Ngoài ra, 27% top các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa là các mặt hàng nông sản, đặc sản. "Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn", nhóm nghiên cứu iPrice cho hay.

Theo đó, số mặt hàng nông sản, đặc sản Việt Nam bán trên sàn Sendo tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương và 100 tấn vải thiều Bắc Giang trên sàn Sendo.

Hàng Việt lép vế trên Shopee, Lazada...: Tỷ lệ hàng nội địa được tìm mua chưa đến 20% - Ảnh 2.

Hàng Việt chiếm ưu thế cao trong danh mục hàng bách hóa. Nguồn: iPrice

Báo cáo nhận định, bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên sàn thương mại điện tử đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà. Thế nhưng, việc chuyển mình thành ngành "gà đẻ trứng vàng" cho TMĐT hậu đại dịch thành công hay không cần nhiều nỗ lực và tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự như các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên