MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc kinh tế học: Hành động nhanh, chạy đua với thời gian là cách giảm thiểu tác động của coronavirus

Một nghiên cứu gần đây về khả năng chuẩn bị cho coronavirus của 195 nước đánh giá mức độ sẵn sàng đối phó với dịch bệnh là "yếu về cơ bản".

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Coronavirus đang tiếp tục lan rộng trên quy mô toàn cầu, ở một số nước dịch bệnh đã gây quá tải, thậm chí là "vỡ trận" đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một nghiên cứu gần đây về khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho coronavirus của 195 nước đánh giá khả năng này một cách tổng thể và đưa ra nhận định: mức độ sẵn sàng đối phó với dịch bệnh là "yếu về cơ bản". Phối hợp ở cấp độ cộng đồng trong từng quốc gia và quốc tế có thể giúp giảm tỷ lệ nhiễm mới và một trong những yếu tố then chốt để giảm thiểu tác động của coronavirus.

Carl T. Bergstrom, một nhà nghiên cứu của Đại học Washington đã đưa ra một biểu đồ được chia sẻ rộng rãi gần đây cho thấy tầm quan trọng của hành động nhanh, chạy đua với thời gian trong giảm thiểu tác động của coronavirus.

Góc kinh tế học: Hành động nhanh, chạy đua với thời gian là cách giảm thiểu tác động của coronavirus - Ảnh 1.

Hình: Ester Kim, Carl T. Bergstrom

Biểu đồ này mô tả hai đường cong với hai tỷ lệ sinh sản virus rất khác nhau. Theo đường cong dốc, virus sinh sản nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn do thiếu các biện pháp phòng ngừa lan truyền virus. Trong kịch bản này, các phòng cấp cứu, bệnh viện dã chiến đặc biệt và các cơ quan khác của hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải, "vỡ trận". Trong một hệ thống quá tải và vỡ trận như vậy, tỷ lệ tử vong có thể cao và những người nhiễm bệnh có thể không được điều trị phù hợp.

Theo đường cong phẳng hơn, việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch (phát hiện, khoanh vùng, dập dịch,…) giúp làm chậm sự lây lan của virus và tác động của virus diễn ra từ từ, có kiểm soát và trong một thời gian dài hơn. Khi đó, nhân viên y tế và các cơ sở khám chữa bệnh không bị quá tải, những người nhiễm bệnh được điều trị tốt hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn, không tạo cú sốc lớn đến tâm lý xã hội. Việc không tạo áp lực quá lớn, quá khả năng phục vụ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe là chìa khóa để giảm thiểu tác động không mong muốn của dịch bệnh.

Những nỗ lực ở phạm vi toàn cầu và phối hợp quốc tế như chia sẻ thông tin hành khách nghi ngờ bị nhiễm, cùng phối hợp các biện pháp để giải quyết các nhu cầu tài chính và ứng phó khẩn cấp đang được thực hiện. Ở cấp độ cộng đồng, vai trò chung tay và sự phối hợp, tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định chung của từng người dân là rất quan trọng. 

Các biện pháp phòng ngừa cho cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giảm thiểu việc đi lại, làm việc từ xa và hủy bỏ các cuộc tụ họp lớn có tác dụng quan trọng trong việc giảm thiểu lan truyền của virus. Đây không chỉ là vấn đề bảo vệ cho chính mình, đó là trách nhiệm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta đang sống.

Góc kinh tế học: Hành động nhanh, chạy đua với thời gian là cách giảm thiểu tác động của coronavirus - Ảnh 3.

GS. Trần Thọ Đạt

WEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên