Hành trình mà nhiều người lớn tử tế đang tìm lại niềm vui cho những đứa bé nghèo ở Sài Gòn
Anh em bé mắt xanh, cậu bé xếp dép hay cô bé bán vé số trước cổng ngân hàng - các cô cậu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn đã may mắn gặp được những người lớn tử tế để rồi chính họ đã giúp các em mở đường cho một tương lai tươi sáng.
- 16-05-2017Anh nhân viên ngân hàng dành giờ nghỉ trưa mỗi ngày để dạy chữ cho cô bé vé số ngay trên vỉa hè Sài Gòn
- 30-03-2017Khởi đầu đẹp sau chuyện cổ tích thời hiện đại về cậu bé xếp dép cho bạn
- 11-03-2017Những đứa trẻ sống trong khu ổ chuột ở Sài Gòn: "Chú cho tụi con tiền đi học nha chú"
- 08-03-2017"Cậu bé xếp dép" được đi học: Ai cũng có thể tạo ra sự thay đổi, chỉ bằng cách gieo mầm 1 việc tốt rất nhỏ thôi
Cái nghèo, như vòng tròn khép kín khiến con người ta loay hoay mãi những chẳng tìm được lối ra. Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình khó khăn chúng cũng loay hoay mãi mà vẫn thấy tương lai mịt mờ. Thế nhưng may mắn với một số bé là cuộc đời đã mỉm cười với các em khi có những người lớn tử tế đã tìm đến và giúp tụi nhỏ bẳng tất cả tâm huyết và tình thương của mình.
Hành trình tìm âm thanh, tiếng nói của hai anh em bé mắt xanh
Anh em cậu bé bán vé số có cặp mắt xanh trong veo Lương Ngọc Bảo (8 tuổi) và Lương Ngọc Thùy An (5 tuổi) mà chúng tôi đã có dịp kể vào tháng 7 năm 2016 là một trong những trường hợp nhận được sự giúp đỡ rất tận tâm của những người lớn tử để trên con đường mở cánh cửa tương lai.
Bảo và An đều có đôi mắt xanh tuyệt đẹp, nhưng cả 2 em đều bị câm điếc.
Ngọc Bảo và Thuỳ An đều bị câm điếc bẩm sinh, vì mang tật nguyền từ nhỏ nên hai em bị cha mẹ bỏ rơi. Sống cùng bà ngoại, hàng ngày Ngọc Bảo và Thuỳ An phải cùng người dì đi bán vé số ở khắp các ngõ phố ở Sài Gòn để kiếm tiền.
Những tưởng tương lai của 2 em sẽ mãi mãi không thể nghe được một âm thanh nào, không thể nói được câu chữ nào và sẽ phải đi bán vé số đến không còn đủ sức nữa. Thế nhưng may mắn đã đến với Bảo và An. Một cô phóng viên, một vị bác sĩ nọ đã ra sức thuyết phục gia đình đưa 2 bé đến bệnh viện. Và đương nhiên là mọi chi phí gia đình sẽ không tốn đồng nào.
Những người lớn tử tế đã ra sức giúp đỡ để 2 em có một tương lai tươi sáng hơn.
Hành trình 6 tháng trời ròng rã của tất cả mọi người từ bà ngoại, chú xe ôm cạnh nhà, cô phóng viên, anh bác sĩ và cô nhân viên trung tâm trợ thính đã đem đến một cái kết không thể đẹp hơn với 2 em bé bất hạnh.
Bảo và An được cấy ốc điện vào tai (với chi phí hơn 300 triệu đồng/bé) để có thể nghe được âm thanh và khi nghe được âm thanh các em có thể tập nói. Đồng thời các em cũng được liên hệ để gửi vào học tại một trường dành cho trẻ em khiếm thính để từ từ tiếp cận với ngôn ngữ. Mọi thứ tuy chỉ mới bắt đầu, nhưng chúng ta đều có quyền hy vọng về một tương lai rộng mở hơn đối với Bảo và An.
Hành trình trở lại trường của cậu bé xếp dép
Cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt (5 tuổi) khiến chúng ta nhớ mãi về hành động đẹp khi sắp xếp lại dép cho các bạn học sinh đi dã ngoại ở nhà thờ Đức Bà. Dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng cậu bé đã khiến rất nhiều người lớn phải ngưỡng mộ.
Hành động đẹp của Đạt đã giúp cậu gặp được cơ duyên của đời mình.
Mẹ của Đạt - chị Linh chia tay chồng khi Đạt vừa chào đời, một mình chị bươn chải để nuôi con. Thời gian đầu Đạt được gửi đi học, nhưng kinh tế mỗi lúc một khó khăn, chị Linh đành cho Đạt nghỉ học để theo mẹ đi nhặt ve chai hàng ngày trong trung tâm thành phố.
Tưởng chừng tương lai của cậu bé sẽ bế tắc như chính mẹ của cậu, thế nhưng nhân duyên đã giúp hai mẹ con gặp được anh Nghĩa Phạm. Sau khi chứng kiến hành động xếp dép của Đạt, anh Nghĩa đã quyết tâm sẽ giúp cậu, ít nhất là được đến trường.
Giờ đây Đạt đã được trở lại trường lớp.
Sau một thời gian tìm hiểu hoàn cảnh 2 mẹ con, anh Nghĩa đã kêu gọi được rất nhiều sự giúp đỡ của cộng đồng. Và thế là đã có một ngôi trường nhận nhóc Đạt vào học miễn phí và một công ty lớn đã nhận chị Linh vào làm để chị không còn vất vả mưu sinh ngoài nắng mưa.
Ngày Đạt trở lại lớp học, mọi thứ cứ như một giấc đối với 2 mẹ con. Thế là từ nay nhóc sẽ được học hành đàng hoàng, sẽ biết đọc biết viết, nếu cố gắng học tập nhóc sẽ tìm được một công việc tốt để có thể lo cho 2 mẹ con. Đó là chuyện của tương lai, nhưng hãy cứ hy vọng.
Hành trình tiếp cận con chữ của cô bé vé số 9 tuổi
Và mới đây thôi, câu chuyện của thầy trò Tú lớn và Tú nhỏ đã lay động rất nhiều trái tim. Tú lớn (27 tuổi) là một nhân viên ngân hàng, Tú nhỏ (9 tuổi) là một cô bé bán vé số hồn nhiên và lanh lợi.
Tú lớn và Tú nhỏ trong những buổi học của mình trên vỉa hè.
Gia đình Tú nhỏ rất khó khăn, bố mẹ phải đi làm xa, em cùng chị gái và bà ngoại phải đi bán vé số mỗi ngày để kiếm sống. Cũng vì thế Tú nhỏ không được đến trường như các bạn đồng trang lứa. Khi biết Tú nhỏ không biết chữ, Tú lớn đã quyết tâm giúp em.
Với mong muốn nhỏ nhoi là giúp Tú nhỏ biết đọc, biết viết, mỗi ngày Tú lớn dành 30 phút nghỉ trưa của mình để dạy cho Tú nhỏ học ngay trên vỉa hè. Ngày nắng thầy trò che ô học, ngày mưa thì nấp vào tán cây để tránh. Cứ thế đã 8 tháng trôi qua, hiện tại Tú nhỏ từ một cô bé mù chữ đã có thể đọc và viết những chữ có 2 âm tiết, đồng thời em đã thành thạo phép tính cộng đến con số hàng triệu. Chặng đường của thầy trò song Tú vẫn chưa dừng lại, và mọi thứ đang trở nên tươi sáng hơn rất nhiều với Tú nhỏ.
Tú nhỏ rất chăm chỉ và hiếu học.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng đừng bao giờ thôi hy vọng, hy vọng vào con người, tình người và sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Vẫn hiện hữu những vì sao nhỏ trong đêm tối và vẫn có những tia sáng ở cuối đường hầm.
Trí thức trẻ