MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật

14-12-2023 - 22:25 PM | Lifestyle

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Vân (32 tuổi, hiện đang sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản), quyết định mua nhà riêng của gia đình chị khi chưa có vĩnh trú đến giờ là đúng đắn. Khi có 'căn nhà thuộc về mình', giá trị tinh thần mà nó mang lại là rất lớn. Trong khoảng nửa triệu người Việt ở Nhật, nhiều người đã mua nhà, ổn định cuộc sống gia đình.

Cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản (chỉ sau cộng đồng người Trung Quốc). Theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến thời điểm 6/2022, số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật là 476.346 người. Cư trú, nhà ở là những vấn đề được quan tâm bậc nhất. Cộng đồng người Việt tại Nhật thường xuyên chia sẻ với nhau về vấn đề này. Bên cạnh việc thuê nhà, rất nhiều người Việt đã mua nhà tại Nhật Bản.

Bài toán cân não giữa mua nhà và thuê nhà ở Nhật

Cả gia đình của chị Nguyễn Thùy Vân (32 tuổi) hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. Chị Vân đã có chia sẻ rất cụ thể về hành trình đến với nước Nhật và qua đó có thể thấy rõ được về việc "làm thế nào để mua nhà tại Nhật". 

"Ở Việt Nam mình học ngành tài chính ngân hàng và làm việc tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh. Chồng mình làm về ngành IT. Mình sinh em bé sau khi kết hôn được 1 năm, và khi con được 6 tháng thì công ty chồng mình có đề xuất cho cả nhà đi Nhật để chồng sang làm việc tại trụ sở chính của công ty ở Tokyo. Vợ chồng mình đã suy nghĩ chỉ trong một buổi chiều và quyết định: lên đường", chị Vân chia sẻ. 

Từ lúc quyết định đi đến ngày bay là 4 tháng, thời gian quá gấp nên vợ chồng chị Vân hầu như không biết tiếng Nhật. "Tháng 11/2019, chồng mình bay sang trước 1 tháng để làm các thủ tục hành chính và tìm thuê nhà, rồi đón hai mẹ con qua", chị Vân kể. 

Theo chia sẻ của chị Vân, thuê nhà ở Nhật khá đắt đỏ và tốn nhiều thời gian xét duyệt hồ sơ, nhất là đối với người nước ngoài. Các chi phí đầu vào của một căn nhà thuê ở Nhật tốn kém hơn ở Việt Nam rất nhiều, bao gồm các khoản tiền đầu vào như: phí cho công ty môi giới, tiền cọc, tiền lễ cho chủ nhà, tiền bảo hiểm, tiền dọn dẹp vệ sinh, trả nhà trước thời hạn sẽ bị phạt, hỏng hóc không như hiện trạng ban đầu cũng tốn tiền đền bù… Nhà cho thuê ở Nhật hầu như là nhà trống, tất cả các vật dụng thiết bị trong nhà mình phải tự trang bị hết. 

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật - Ảnh 1.

Căn nhà mà vợ chồng chị Hồng Vân đã mua tại Nhật Bản, nhà cách trung tâm Tokyo khoảng 40km. Toàn bộ nội thất trong nhà đều do chị Vân tự sắm sửa.

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật - Ảnh 2.

Chị Vân trong căn bếp nhà mình.

Chị kể: "Hành trình mua nhà của mình từ khởi điểm đến lúc chốt nhà tầm nửa năm. Thời điểm mua nhà mình đã phân vân và tự đặt ra rất nhiều câu hỏi. Vì nhà mình đến Nhật chưa được 3 năm, chưa có vĩnh trú (cư trú vĩnh viễn), càng không đáp ứng các điều kiện “đẹp” để dễ được ngân hàng xét cho vay. Tiếng Nhật cũng không đủ siêu để tìm hiểu kỹ hoặc hỏi được các thắc mắc mà mình muốn hỏi. Hầu như mình bị các bên công ty bất động sản Nhật kêu là trường hợp khó, hoặc sẽ vay được nhưng với lãi suất cao…

Vậy vì sao mình vẫn muốn đi mua nhà? Nếu ở thuê, mỗi tháng mình tốn gần 9 man (đơn vị tiền tệ của Nhật, 1 man là 1.000 Yên, tương đương 1,6 triệu VNĐ) tiền nhà cho một căn nhà rất nhỏ ở Tokyo chưa kể phí gia hạn 2 năm 1 lần và các loại chi phí khác. Nhà thuê vẫn ổn nhưng mình nghĩ nếu lâu dài thì mình thích cảm giác ở “nhà mình” hơn. Mình tìm đến môi giới là công ty bất động sản của người Việt. Người Việt sống tại Nhật mua nhà rất nhiều, nên các công ty bất động sản của người Việt hình thành và hỗ trợ được rất nhiều gia đình Việt mua nhà. 

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật - Ảnh 3.

Với căn nhà của riêng mình, chị Vân có những góc nhỏ bày biện theo ý thích. Việc sở hữu căn nhà riêng mang lại giá trị tinh thần rất cao

Căn nhà gia đình chị Vân chọn mua có diện tích đất khoảng 170 m2, diện tích sàn 100 m2, giá là 4.130 man (khoảng 7 tỷ đồng). Nhà cách ga tàu gần nhất 1,7 km (mất tầm 25 phút đi bộ hoặc 10 phút đi xe đạp). Di chuyển vào trung tâm Tokyo bằng tàu điện mất 40 phút. Vợ chồng mình chủ yếu làm việc ở nhà nên ưu tiên chọn nhà rộng, không cần gần ga nhưng cũng không quá xa trung tâm, đảm bảo các tiêu chí nhà gần trường học cho con, gần siêu thị, các tiện ích xung quanh đều có trong vòng bán kính 1-2 km là mình thấy ổn rồi". 

"Nếu bạn xác định ở Nhật tầm khoảng 10 năm trở lên, có gia đình đặc biệt là có con nhỏ, cần không gian cho con, cho sinh hoạt gia đình chất lượng, thì theo mình bạn có thể xem xét tìm hiểu việc mua nhà. Con gái có phòng ngủ riêng, chồng có phòng làm việc rộng rãi, hai vợ chồng cũng có không gian riêng. Mình có cái bếp, cái vườn nhỏ, phòng khách to, hay tổ chức họp mặt bạn bè người Việt. Các bạn mình ở Việt Nam sang du lịch cũng có qua chơi thăm nhà mình để trải nghiệm. Người Việt xa quê luôn sống rất tình cảm và gắn bó".

Chị Nguyễn Thùy Vân (32 tuổi) hiện đang sinh sống tại Tokyo, Nhật Bản

Theo chia sẻ của chị Vân, để mua căn nhà này, gia đình chị bỏ ra 20% giá trị căn nhà và vay phần còn lại. Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng chị trả tiền vay mua nhà khoảng 10 man (17 triệu đồng), tính ra cũng không chênh mấy so với nhà thuê. 

"Bù lại, nếu mua được căn nhà đạt chứng chỉ tốt bạn có thể được các khoản hỗ trợ từ Nhà nước và hoàn thuế 10-13 năm đầu khi vay. Cụ thể là nhà mình được hỗ trợ 100 man (170 triệu đồng) và hoàn 21 man (35 triệu đồng) cho tiền thuế năm đầu tiên", chị Vân cho biết.

Theo chị Vân, khi có "căn nhà thuộc về mình", giá trị tinh thần mà nó mang lại là rất lớn. "Đến thời điểm này mình đã ở căn nhà của mình được 1 năm rồi. Một năm đổi mới nhiều trong tư tưởng, một năm thật nhiều “an” và “lạc”. Cuộc sống ở bất kỳ đất nước nào không riêng gì nước Nhật, cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng, mình nghĩ rằng quyết định mua nhà của mình là rất đúng đắn", chị Vân khẳng định.

Những điều thú vị và khác biệt khi mua bán bất động sản tại Nhật Bản

Nước Nhật cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu nhà ở, công nhận quyền sở hữu đất và các tài sản trên đất cho người nước ngoài. Chính bởi thế, rất nhiều người Việt Nam đã mua nhà đất tại Nhật. 

Giá nhà đất ở các khu vực là rất khác nhau. Chẳng hạn, Tokyo được chia thành 2 khu vực: khu vực 23 quận và khu vực ngoài 23 quận. Khu vực 23 quận là trung tâm, đây là khu vực mà giá nhà đất cao kỉ lục. Căn hộ chung cư thường chỉ có ở khu vực trung tâm thành phố, ra xa trung tâm là nhà đất, về các vùng nông thôn thì giá nhà đất rẻ hơn hẳn. Người Việt Nam mua nhà tại Nhật thường là nhà đất ở các khu vực không gần trung tâm, có diện tích rộng, có sân vườn, chỗ đỗ xe.

Hành trình mua nhà của một người mẹ trẻ trên đất Nhật - Ảnh 4.

Khu nhà của chị Vân. Các căn nhà đều có khoảng sân vườn nhỏ, có thể mời bạn bè tới ăn uống ngoài trời vào cuối tuần

Chị Phương Anh - một người Việt đang làm việc tại Nhật cho biết: "Tại Nhật Bản, chọn thuê nhà hoặc mua nhà, vay ngân hàng thì khoản tiền phải trả hàng tháng là tương đương nhau. Chẳng hạn thuê 1 tháng phải trả 20 triệu theo tiền Việt mình thì mua nhà, vay ngân hàng rồi trả hàng tháng cũng tầm đó. Người Việt cư trú ổn định, có thu nhập ổn định là có thể vay được ngân hàng tại Nhật. Các khoản vay mua nhà tại Nhật thường có thời hạn vay dài lên đến 20-30 năm, nên chỉ cần có số tiền ban đầu không quá lớn, thu nhập hàng tháng đủ đảm bảo chi phí cuộc sống và thanh toán tiền trả ngân hàng thì có thể chọn mua nhà được. Có thể nói là mua nhà ở Nhật còn dễ hơn ở Việt Nam mình, với khoảng 7 đến 10 tỉ đồng là có nhà rất đẹp, có sân vườn, còn ở Việt Nam thì muốn mua căn như vậy ở các khu vực gần thành phố lớn thì chi phí phải 10 đến 20 tỉ".

Tại Nhật, các giao dịch thuê hoặc mua bán đều chủ yếu là do công ty chuyên về bất động sản thực hiện chứ cá nhân không mua bán trực tiếp cá nhân. Các giao dịch được làm thông qua các công ty bất động sản hoạt động tại đúng khu vực đó, bởi sẽ phải giải quyết rất nhiều thủ tục giấy tờ hợp đồng, đóng thuế tại địa phương, và qua công ty địa phương thì sẽ tiện lợi nhanh chóng hơn.

Người Nhật cũng coi nhà đất, bất động sản là một khoản tích lũy, một hình thức đầu tư. Người dư giả về tài chính chọn mua thêm nhà để cho thuê, giữ tiền và chờ lên giá. Văn hóa của người Nhật là đề cao sự tự do riêng tư, nên dù bố mẹ có nhà to, nhiều phòng, con cái khi trưởng thành, đi làm đều chọn tự dọn ra ngoài thuê căn hộ gần nơi làm việc. Đa phần người trẻ Nhật khi độc thân đều chọn thuê nhà, chỉ mua khi đã lập gia đình.

Yếu tố mà người Nhật vô cùng chú trọng đầu tiên khi mua hay thuê nhà là gần trường học cho con. Trẻ em đi học tại Nhật luôn chọn học trường gần nhà, và đều tự đi bộ ngay từ lớp 1 nên cha mẹ ở Nhật luôn đặt yếu tố gần trường học lên hàng đầu khi mua nhà. Yếu tố thứ 2 là gần ga tàu điện ngầm, bởi phương tiện chính để di chuyển, làm việc hàng ngày của người Nhật là tàu điện ngầm. Cùng một khu vực, giá thuê hay mua nhà tại những điểm gần trường học, gần ga tàu điện ngầm sẽ cao hơn. Các chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Vân về mua nhà có nhắc đến 2 yếu tố này. 

Một điều thú vị khác biệt khác là 1 khoản gọi là "tiền lễ" cho chủ nhà khi người thuê nhà đi thuê hoặc mua nhà của chủ cũ. Điều này xuất phát từ văn hóa Nhật Bản, khoản "tiền lễ" như lời cảm ơn của người thuê, người mua cho chủ nhà vì mình có nơi ở mới nhờ sự giúp đỡ của chủ nhà. Điều này trái ngược hoàn toàn với Việt Nam, chủ nhà sau khi bán được nhà thu về khoản tiền lớn vẫn hay "ra lộc" một khoản nho nhỏ cho người đã mua ngôi nhà của mình.

(Còn nữa)


Theo Quang Thái

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên