MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở Đông Nam Á nhưng thị trường tài chính này quá "mẫn cảm" với Donald Trump

24-11-2016 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Tính đến ngày 22/11, ringgit đã giảm 10 phiên liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.

Đồng tiền có diễn biến tệ nhất ở châu Á kể từ khi Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ khiến NHTW Malaysia lâm vào thế khó và không thể cắt giảm lãi suất như dự tính.

Hồi tháng 7, Malaysia đã khiến thị trường ngạc nhiên khi tuyên bố cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc. Khi đó các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đều cho rằng trong năm nay nước này sẽ hạ lãi suất một lần nữa.

Tuy nhiên, chiến thắng của Trump cùng với hiện tượng đồng USD tăng vọt đã khiến mọi thứ thay đổi. Trong thông báo vừa được đưa ra chiều nay (23/11), NHTW Malaysia tuyên bố giữ nguyên lãi suất để đối phó với đồng nội tệ giảm giá. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách chuyển sang tập trung vào bảo vệ đồng ringgit hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kể từ ngày 8/11, đồng ringgit đã giảm hơn 5% trong khi 11 tỷ USD bị rút ra khỏi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Tính đến ngày 22/11, ringgit đã giảm 10 phiên liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.


Đồng ringgit đã giảm hơn 5% kể từ ngày 8/11. Nguồn: Bloomberg.

Đồng ringgit đã giảm hơn 5% kể từ ngày 8/11. Nguồn: Bloomberg.

Nỗ lực ngăn các NHTW nước ngoài sử dụng hợp đồng kỳ hạn để đặt cược chống lại đồng ringgit càng khiến đồng tiền này giảm sâu hơn, làm dấy lên nỗi lo sợ các biện pháp kiểm soát vốn từng được đưa ra trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 sẽ quay trở lại.


Các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán tháo cổ phiếu Malaysia. Nguồn: Bloomberg.

Các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán tháo cổ phiếu Malaysia. Nguồn: Bloomberg.

Từng là một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Malaysia đang dần đuối sức. Trong dự báo mới nhất, World Bank nhận định kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng dưới 5% trong giai đoạn 2016 – 2018.

Các NHTW khác trong khu vực cũng đang phải trì hoãn việc bổ sung các biện pháp kích thích vì diễn biến bất lợi của đồng nội tệ. Tuần trước Indonesia tuyên bố giữ nguyên lãi suất sau 6 lần cắt giảm kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích đã chỉ ra những yếu tố đặc biệt khiến Malaysia quá mẫn cảm với chiến thắng của Donald Trump.

"Ringgit biến động quá mạnh một phần là bởi Malaysia có thị trường tài chính mở hơn và liên kết mạnh hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu", Trinh Nguyen - chuyên gia kinh tế cao cấp tại quỹ Natixis - nhận định trên CNBC.

Bà lưu ý rằng trên thị trường trái phiếu Malaysia, tỷ trọng trái phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là khá lớn do đó Malaysia "rất mong manh" trước các cú sốc từ bên ngoài. Khi đó nhà đầu tư sẽ thay đổi cấu trúc danh mục đầu tư và khiến đồng ringgit biến động mạnh.

Krystal Tan, chuyên gia đến từ Capital Economics, thì lưu ý đến con số nợ niêm yết bằng đồng ngoại tệ lên đến gần 40% GDP của Malaysia. Đồng ringgit càng giảm thì số nợ này càng trở nên đắt đỏ.

Thu Hương

Bloomberg, CNBC

Trở lên trên