MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy thuyết phục các CEO ngân hàng: Đầu tư vào công nghệ chắc chắn có lợi nhuận ròng từ 15-17%

19-05-2016 - 10:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Trước sự bùng nổ về công nghệ, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến cáo các ngân hàng cần phải đầu tư mạnh mẽ lĩnh vực này hơn nữa bởi lợi ích đem lại là rất lớn.

Chia sẻ tại sự kiện Banking Vietnam 2016, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, công nghệ thông tin đang bùng nổ và thay đổi nhanh chóng trong khi đó thị trường tài chính ngày càng phức tạp, tinh vi và gắn kết.

Ước tính đến 1/7/2016, tại Việt Nam sẽ có 52% dân số dùng Internet. Khi công nghệ thay đổi như vậy cần phải đầu tư cho công nghệ, kiểm soát rủi ro cho công nghệ, mặc dù chi phí bỏ ra khá nhiều nhưng lợi ích đem lại cũng rất lớn.

“Hãy thuyết phục các CEO ngân hàng đầu tư vào công nghệ chắc chắn có lợi nhuận ròng từ 15-17%”, TS. Cấn Văn Lực phát biểu.

TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 8 nhân tố tác động rất mạnh tới hệ thống ngân hàng trong 5 năm tới. Trong đó, môi trường pháp lý thay đổi theo hướng chặt hơn, thận trọng hơn sẽ làm tăng chi phí hệ thống ngân hàng từ đó làm giảm lợi nhuận.

Ngoài ra, từ phía khách hàng do thay đổi dân số học, dân số già đi, thu nhập tăng lên, vì thế khách hàng cũng khó tính hơn.

Bên cạnh đó là thay đổi về hành vi khách hàng. Khách hàng ngày càng hiểu biết, tinh vi hơn, đòi hỏi cao hơn kết nối sử dụng IT nhiều hơn nên tin lành, xấu lan truyền rất nhanh cũng như yêu cầu tính bảo mật cao hơn.

"Cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng và giữa hệ thống ngân hàng với các tổ chức phi ngân hàng. Một loạt các tổ chức phi ngân hàng xuất hiện và cung cấp các dịch vụ cực kỳ tiện lợi, nhanh chóng nhưng thua ngân hàng ở mức kiểm soát rủi ro. Vì vậy, cần phát huy điểm mạnh này, về lâu dài để bảo vệ người tiêu dùng", vị chuyên gia so sánh.

Thêm vào đó, Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào các sân chơi quốc tế, cùng với việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới, khi đó sẽ tác động đến lãi suất ngân hàng. Giả sử khi áp dụng Basel III, GDP của các nước cũng sẽ giảm 0,2-0,3%. Khu vực châu Á, thay đổi chung sẽ khiến ROA ROE ngân hàng sắp tới giảm 2-3%.

Tuy nhiên, "tiềm năng thị trường tài chính Việt Nam là rất lớn. Quy mô thị trường tài chính còn nhỏ. Sản phẩm, dịch vụ hiện tại, việc bán chéo sản phẩm còn hạn chế và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng còn ở mức thấp. Hệ thống ngân hàng còn mỏng và phân bổ không đều, không đúng. Dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói chung và ngân hàng điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ", ông Lực chỉ ra.

Về giải pháp, TS Lực kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu các TCTD và tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu; Kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (Thuế, hải quan, thủ tục hành chính,...); Chỉ đạo cải thiện phối hợp chính sách nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; Nới room tham gia của tư nhân (cả nước ngoài) đối với các TCTD Việt Nam,...

Đối với NHNN, cần hoàn thành dứt điểm tái cơ cấu các TCTD yếu kém, rà soát và định hướng phát triển kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; Hoàn thiện đồng bộ quy định đổi mới hệ thống quản trị quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, minh bạch hóa trong hoạt động của các TCTD,...

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên