MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ kế hoạch giảm bớt khối doanh nghiệp quân đội

“Sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế cho biết.

Báo QĐND dẫn lời Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho hay, trong Nghị quyết số 520-NQ/QUTW ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương, việc đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội được đề cập rất chi tiết.

Theo đó, sẽ sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp quân đội theo lộ trình phù hợp; gắn hiệu quả kinh tế với nhiệm vụ quân sự-quốc phòng; tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại quốc phòng.

Nghị quyết cũng nêu chiến lược phát triển các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh như: dịch vụ cảng biển, viễn thông, đóng tàu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chiến lược, xây dựng, bay dịch vụ... chú trọng đầu tư phát triển các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Thực hiện các chủ trương, nghị quyết nêu trên, ngày 18/5/2017, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Nghị quyết xác định: giảm mạnh đầu mối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng những doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống; bảo đảm sự phát triển ổn định, lâu dài, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

"Quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân", Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Đại tá Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (Cục Kinh tế), về mặt nguyên tắc, sẽ giữ lại công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước là các doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhưng thực hiện tái cấu trúc, nhằm bảo đảm có cơ cấu tổ chức hợp lý, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp có cùng ngành nghề, tận dụng năng lực quản trị, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo ra các doanh nghiệp có quy mô phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cổ phần hóa các doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trường hợp không thực hiện cổ phần hóa được thì giải thể hoặc phá sản...

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng tiết lộ: Sắp tới, theo dự thảo đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ sắp xếp chỉ còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (nhà nước giữ trên 51% cổ phần đến năm 2019); thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

"Đây thực sự là một cuộc ‘cách mạng’, cải tổ toàn bộ các doanh nghiệp quân đội. Các doanh nghiệp còn lại đều phải là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh. Nhà nước sẽ không bù lỗ, sẽ hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Tôi hy vọng sau sắp xếp lần này thì những tồn tại, hạn chế sẽ được giải quyết triệt để để các doanh nghiệp quân đội có sức sống mới, thật sự khẳng định được thương hiệu, uy tín", Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nhấn mạnh.

Theo Lê Nguyễn

Vietnamfinance

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên