MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết biểu tình lại đến dịch bệnh, nhiều gia đình nhập cư lên kế hoạch "chạy trốn" khỏi Hồng Kông

09-03-2020 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

"Hồng Kông đang dần trở thành một môi trường không ổn định để nuôi dạy con trẻ", Ian Jacob, một người gốc New Zealand cho hay.

Sau một thập kỷ rưỡi sống tại Hồng Kông, Ian Jacob, người gốc New Zealand đang tìm cơ hội rời khỏi quốc gia này. Là chủ sở hữu của một công ty vật liệu xây dựng, năm ngoái, Jacob và vợ đã vô cùng lo lắng về tình trạng bất ổn chính trị, đặc biệt là sau khi các trường học tạm thời đóng cửa. "Chúng tôi cho rằng tình hình ngày càng tồi tệ hơn", anh nói.

Với việc các lớp học lại tạm đóng cửa một lần nữa trong bối cảnh đại dịch corona bùng phát, lựa chọn tối ưu hơn là giáo dục tại gia cho cô con gái 10 tuổi có lẽ sẽ thúc đẩy họ tới Auckland, New Zealand. Jacob cho biết họ sẽ tới New Zealand khi năm học của cô con gái tại Hồng Kông kết thúc.

"Hồng Kông đang dần trở thành một môi trường không ổn định để nuôi dạy con trẻ", anh cho biết.

Cuộc tranh luận về việc rời khỏi Hồng Kông - đã bắt đầu dấy lên trong cộng đồng người nước ngoài khi tình trạng bất ổn diễn ra vào mùa hè và mùa thu năm ngoái - đã trở nên cấp thiết hơn cùng với sự lây lan của virus mà đã cướp đi hơn 3.800 mạng sống trên toàn cầu và khiến nhiều công ty ở trung tâm tài chính này buộc phải yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Các nhà phê bình cáo buộc chính quyền của đặc khu trưởng Carrie Lam đã xử lý sai cuộc khủng hoảng gần nhất khi so sánh với Singapore, nơi vẫn để cho các trường học mở cửa.

Một cuộc di cư của những người nước ngoài như Jacob có thể làm tổn hại thêm một nền kinh tế vốn đã quay cuồng với tình trạng bất ổn và dịch bệnh, với lượng khách du lịch giảm mạnh và thất nghiệp gia tăng.

Tại Hồng Kông, dân nhập cư đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành tài chính, luật pháp và các ngành dịch vụ khác mà đã biến nơi này trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Theo điều tra dân số năm 2016, khoảng 690.000 người nước ngoài và người không phải là người Hồng Kông gốc Trung Quốc sống ở Đặc khu hành chính, chiếm khoảng 9,5% dân số. Một nửa đến từ Philippines và Indonesia, nguồn nhân lực chính của quốc gia; còn lại có khoảng 35.000 người Anh và 14.800 người Mỹ.

Dân số của Hồng Kông vào cuối năm 2019 đã giảm 0,1% so với số lượng giữa năm, mức giảm đầu tiên trong gần hai thập kỷ, theo dữ liệu của chính phủ công bố hôm thứ ba. Một số lượng lớn người đã di rời khỏi Hồng Kông - ngoại trừ những người có giấy phép một chiều từ Trung Quốc đại lục - với số lượng khoảng 29.200 người vào năm 2019, so với con số 23.000 trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào giữa năm 2019.

Mặc dù không có số liệu thống kê về số lượng di dời vĩnh viễn, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng về sự thay đổi trong quan điểm của những người nước ngoài. Các công ty đang nhìn thấy một sự tăng đột biến trong việc yêu cầu luân chuyển công tác sang nước ngoài, với dự đoán rằng sự gia tăng bế tắc chính trị sẽ dẫn đến nhiều bất ổn.

Có ít nhất 115 trường hợp nhiễm virus được xác nhận tại Hồng Kông tính đến hôm nay (9/3), ít hơn ở Nhật Bản hoặc Singapore. Điều đó là đủ để tạo ra nỗi sợ hãi diện rộng. Nhiều nhân viên đang làm việc tại nhà và nhiều nhà hàng đang gặp khó khăn. Việc mua sắm một cách hoảng loạn đã làm các siêu thị trống rỗng, với các kệ đặt giấy vệ sinh và nước rửa tay luôn hết sạch hàng.

Thường thường, mùa cao điểm cho việc di dời sang nước ngoài là vào tháng 6, nhưng hiện nay rất nhiều gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng, Timothy Tao, giám đốc phát triển kinh doanh có trụ sở tại Hồng Kông với công ty tái định cư Asian Tigerers Group cho biết. Các yêu cầu đã tăng vọt trong tháng qua, ông cho biếti.

Robert Chipman, Giám đốc điều hành Asian Tigers Group Hong Kong CEO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm thứ Tư rằng trong khi có nhu cầu mạnh mẽ về việc di dời khỏi Hồng Kông, gần như không có mấy người hứng thú với việc tới đây.

"Tôi nói chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự diễn ra sau 20 năm làm việc ở vị trí này", anh nói.

Thiệt hại vĩnh viễn?

Hồng Kông đang đứng trước nguy cơ của một cuộc di cư mà có thể đe dọa đến vị thế của vùng lãnh thổ này.

"Nếu nhu cầu cụ thể của các trường quốc tế không thể được giải quyết nhanh chóng, điều này rất có thể sẽ thúc đẩy quyết định của các gia đình (không chỉ các gia đình người nước ngoài) rời khỏi Hồng Kông trong những tuần tới. Điều này cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài chính của các trường quốc tế, thậm chí một số sẽ không thể tiếp tục hoạt động được.",theo Rebecca Silli và Peter Burnett, chủ tịch phòng thương mại của Pháp và Anh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và gia đình vẫn chọn ở lại, bởi họ tin rằng Hồng Kông sẽ vẫn là một trung tâm cho các công ty đa quốc gia. Trong số những người lạc quan có một cư dân đã sống với Hồng Kông hai thập kỷ, Donna NguyenPhuoc, một đối tác của Sparq Capital, làm việc với các văn phòng gia đình để hợp tác đầu tư vào các ngành công nghiệp như công nghệ.

"Nhiều người có ý định di dời không sống ở Hồng Kông đủ lâu để chứng kiến sự kiên cường của vùng đất này", cô nói. "Nếu bạn đã ở đây đủ lâu, bạn sẽ nhận ra Hồng Kông sẽ vượt qua tất cả điều này như trước đây đã từng."

Các gia đình khác sẽ di dời tới nơi ở mới ít nhất là tạm thời, trong khi họ chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Giám đốc điều hành ngành bảo hiểm Ruth Lu, có hai người con ở 7 và 11 tuổi, đã thuê một ngôi nhà có hồ bơi trên đảo Koh Samui của Thái Lan trong khi các trường học đóng cửa. Cô nói "chúng tôi thậm chí không cần phải đeo khẩu trang", cô nói.

Là người gốc Trung Quốc, tỉnh Giang Tô, sống ở Hồng Kông hơn 20 năm, Lu không định di dời ngay lập tức, nhưng tình trạng bất ổn đã làm cô đau đầu. "Hồng Kông không còn giống như trong ký ức của tôi nữa", cô nói.

Một số nhân viên ngân hàng được phỏng vấn bởi Bloomberg, cho biết họ đã chuyển ra nước ngoài với gia đình ít nhất cho đến khi dịch bệnh lắng xuống và đã hoãn thực hiện các kế hoạch dài hạn.

Chờ đợi, và theo dõi

Một số gia đình không tin việc trường học mở cửa trở lại vào tháng tới. Betty Lai, sinh ra ở Hồng Kông, lớn lên ở Canada và kết hôn với một người Anh, đã đến Anh và gửi hai đứa con vào trường học ở Suffolk, Anh. Chồng cô, một nhà tuyển dụng, có thể làm việc từ London nên gia đình dự định sẽ sống ở đó từ bây giờ.

"Chúng tôi có thể sẽ rời đi nếu tình hình ở Hồng Kông không ổn định hơn trong mùa hè", cô cho biết.

Việc di dời vĩnh viễn có thể làm tổn thương tính cạnh tranh của Hồng Kông, theo Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông. "Khi một tài năng đã rời khỏi ​​Hồng Kông, sẽ rất khó để họ quay trở lại", cô nói.

Tham khảo Bloomberg

Mỹ Linh

Trở lên trên