MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết cãi nhau, tiết kiệm thêm gần chục triệu khi để chồng giữ tiền

06-05-2023 - 08:50 AM | Lifestyle

Để chồng nắm toàn bộ “tay hòm chìa khoá" là trải nghiệm như thế nào?

Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống, đặc biệt là trong hôn nhân. Cũng vì thế, câu hỏi phổ biến của nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn là: “Ai chịu trách nhiệm quản lý tài chính?”.

Thực tế, hiện nay phần đông chị em vẫn được tin tưởng nắm giữ “tay hòm chìa khoá" bởi nhiều lý do như họ cẩn thận, chồng thiếu sát sao trong chuyện thu chi… Tuy nhiên, các cặp đôi dưới đây đã chứng minh đàn ông cũng là đối tượng thích hợp để quản lý nguồn tiền ra vào của gia đình chẳng kém chị em, miễn là họ có đủ tận tâm cho gia đình.

Từng bị nói để chồng nắm hết quyền hành nhưng thực tế ra sao?

Minh Anh (28 tuổi) đang làm nhân viên hành chính nhân sự. Từ tháng lương đầu tiên nhận được sau khi cưới, vợ chồng cô đã thống nhất để chồng nắm giữ tài chính. Cứ đầu tháng Minh Anh sẽ chuyển hết tiền lương vào tài khoản chồng, sau đó vợ chồng cô cùng bàn bạc thêm về kế hoạch chi tiêu. Thông thường, gia đình Minh Anh trích 1/3 quỹ chung để trả tiền sinh hoạt phí, còn lại dùng để đưa vào quỹ tiết kiệm và đầu tư.

Minh Anh cho hay, chồng cô không phải người keo kiệt nhưng rất cẩn thận trọng trong chi tiêu. Có những khoản mua sắm nhỏ cô cũng hỏi ý kiến chồng, nếu chồng không đồng ý thì Minh Anh cũng không dám mua.

Hết cãi nhau, tiết kiệm thêm gần chục triệu khi để chồng giữ tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Pinterest

Chứng kiến cách vợ chồng Minh Anh chi tiêu, nhiều người từng hỏi cô tại sao để chồng nắm hết “quyền hành”, mình là phụ nữ thì phải nắm tài chính chứ? Tuy nhiên, Minh Anh không đồng tình quan điểm này.

“Chồng mình dùng phần mềm riêng để chia nhỏ thu nhập vào mục đích thu chi nên dòng tiền được kiểm soát và phân bổ hợp lý. Hai vợ chồng luôn hỏi ý kiến nhau khi cần mua sắm hay chi tiêu bất kỳ khoản nào trong nhà. Vì vậy, vợ chồng không có tranh cãi gì về tiền bạc, trong khi khoản tiết kiệm vẫn có đều vào mỗi tháng.

Thực tế, nếu để chồng nắm quản lý tài chính, vợ sẽ bớt stress về tiền bạc, trong khi dòng tiền được sử dụng tối ưu nhất. Mình chỉ việc dùng thẻ tín dụng để mua sắm trong khoản ngân sách định sẵn. Nếu có nguồn chi phát sinh, hai vợ chồng mình sẽ bàn bạc rồi tính xem có nên chi tiền hay không”, Minh Anh nói.

Cùng quan điểm với Minh Anh là Thu Hà (29 tuổi) đang làm nhà sáng tạo nội dung. Theo Thu Hà, dù vợ chồng cô không phân chia rạch ròi ai là người làm chủ tài chính, tuy nhiên thông qua quá trình trò chuyện với những người bạn, cô nhận thấy việc để đàn ông nắm “hòm tiền” trong nhà không phải ý kiến tồi.

“Nếu việc chi tiêu mua sắm là thú vui của chồng thì việc gì mình phải giành mất thú vui ấy. Mình thấy có 1 tips chung của những người có hôn nhân hạnh phúc là ai giỏi cái gì thì cho phụ trách cái ấy, còn người kia làm phụ tá. Ngoài ra, chị em cũng nên có quỹ chung để tránh phụ thuộc tài chính và đề phòng bất trắc”, Thu Hà chia sẻ.

Vợ chồng hết cãi nhau, tiết kiệm đến 7 triệu/tháng khi để chồng làm chủ tài chính

Thời gian đầu mới cưới, Minh Trang (26 tuổi, giáo viên) là người nắm giữ thu chi trong nhà. Do không biết kiểm soát tài chính nên vợ chồng cô thường xuyên rơi vào tình trạng âm tiền cuối tháng. Những tranh cãi nhỏ giữa cặp đôi cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.

Tuy nhiên, mọi chuyện dần cải thiện khi Minh Trang trao hết quyền quản lý tài chính cho chồng. Chồng Minh Trang là người cẩn thận nên luôn phân định rạch ròi từng khoản chi phí hàng tháng cũng như quỹ riêng mà mỗi người có dành cho việc chi tiêu cá nhân. Bên cạnh đó, khi có lương, vợ chồng sẽ gửi thẳng 50% tổng thu nhập vào thẻ tiết kiệm để tránh tình trạng bội chi.

“Từ khi chồng lên nắm tài chính, chúng mình đã ngồi liệt kê hết chi phí hàng tháng, từ đó cắt hết những khoản chi không cần thiết. Chẳng hạn như tiền mua túi, tiền ăn hàng ngoài quán, tiền nhậu của chồng… cũng được giảm đi đáng kể cho các dự định tương lai.

Vợ chồng mình hết cãi nhau vì giờ ông chồng cũng hiểu được khó khăn của người nắm thu chi, hết nói vợ chi tiêu phung phí. Có tháng nhờ thắt chặt ngân sách, chúng mình còn tiết kiệm đến 7 triệu/tháng", Minh Trang bày tỏ.

Hết cãi nhau, tiết kiệm thêm gần chục triệu khi để chồng giữ tiền - Ảnh 2.

Sau cùng Trang nhận định, dù để chồng nắm giữ mọi khoản thu chi trong nhà, thế nhưng điều này không có nghĩa vợ được nhàn rỗi, quẳng hết mọi gánh lo. Bởi lẽ thực chất người nắm giữ tiền luôn là đau đầu nhất.

“Có những tháng khi vợ chồng ngồi lại thống kê thì các khoản chi không tuân thủ theo kế hoạch đề ra. Điều này đến từ việc chồng mình lười ghi chép, cũng như thống kê chi tiêu thiếu minh bạch, bỏ các khoản tiền nhỏ. Từ đó, chúng mình dần có được bài học là dù ai nắm giữ chi tiêu, người còn lại cũng phải sát sao nhắc nhở. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho người cầm tiền còn giúp vợ chồng tuân thủ đúng kế hoạch thu chi đề ra”, Trang nói.

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên