Hết thời "ăn nên làm ra", lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh
Kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các ngân hàng đã bắt đầu chịu tác động bởi Covid-19, trong đó có nhiều ngân hàng ghi nhận sụt giảm lợi nhuận. Nhưng theo nhiều chuyên gia, mức độ ảnh hưởng trong quý 1 vẫn còn rất nhẹ, phải bước sang quý 2 mới thực sự "ngấm đòn".
- 24-04-2020Bất chấp Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn ồ ạt tuyển dụng, cũng không cắt giảm lương nhân viên trong 3 tháng đầu năm
- 22-04-2020Nợ xấu tăng, ngân hàng rốt ráo nâng dự phòng
- 22-04-2020Hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng trong quý 1/2020
Trái ngược với bức tranh màu sáng đồng đều trong quý 1/2019, thì năm nay, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 từ những tháng đầu năm. Nhiều ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái khi thu nhập hoạt động tăng chậm và phải tăng cường trích lập dự phòng vì đã bắt đầu nhen nhóm nợ xấu mới.
2 ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank đều sụt giảm lợi nhuận trong quý 1/2020. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của VietinBank giảm 5,6% so với cùng kỳ xuống còn 2.974 tỷ đồng, còn VietinBank thì giảm 11,14% xuống 5.223 tỷ đồng.
Tại 2 ngân hàng trên, mặc dù thu nhập lãi thuần đã bắt đầu bị ảnh hưởng, tăng trưởng ở mức rất thấp nhưng nhờ nguồn thu ở các mảng phi tín dụng, tổng thu nhập vẫn có kết quả tích cực. Chi phí hoạt động cũng cố gắng hạn chế, như VietinBank chỉ tăng 2,46% lên 3.318 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm chung ở cả VietinBank và Vietcombank là đều tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lần lượt tăng 35,5% và 43% lên 4.393 tỷ và 2.152 tỷ.
VietinBank tăng cường trích lập dự phòng trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng này đã bắt đầu tăng mạnh trong quý 1 (tăng hơn 50%). Trong khi đó, nợ xấu tại Vietcombank cũng tăng nhưng chưa đáng kể, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức dưới 1% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cao nhất hệ thống. Có thể hiểu, ngay cả khi đang có lãi, ngân hàng cũng phải tính đến khả năng nợ xấu tăng cao trong tương lai và phải chuẩn bị "tấm đệm" dày hơn.
Một ngân hàng tư nhân lớn khác cũng sụt giảm lợi nhuận vì lý do tương tự là MBBank. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong quý 1/2020 tăng 16% so với cùng kỳ đạt 6.338 tỷ đồng, ngân hàng cũng đã "thắt lưng buộc bụng" giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tại tăng vọt tới 117% khiến lợi nhuận quay đầu giảm khoảng 9%, chỉ đạt 2.195 tỷ đồng.
Trong khi những ngân hàng trên cố gắng tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng trích lập dự phòng thì tại Sacombank, trong khi thu nhập hoạt động chỉ tăng 9,6% thì chi phí hoạt động tăng tới 21% do tăng trích lập dự phòng tài sản có rủi ro theo Đề án tái cơ cấu và chi phí dự phòng còn giảm so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận trước thuế quý 1/2020 của ngân hàng chỉ đạt 988 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 1.000 tỷ.
Lợi nhuận của những ngân hàng lớn trên mới chỉ sụt giảm nhẹ, trong khi một số ngân hàng nhỏ đã giảm mạnh.
Tại Nam A Bank, lãi trước thuế quý 1/2020 của ngân hàng chỉ đạt 143 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh của ngân hàng kém khả quan khi thu nhập lãi thuần giảm tới 29%, chỉ đạt 465 tỷ đồng, trong khi nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng còn hạn chế, chưa đóng góp được nhiều. Trong quý 1, ngân hàng thậm chí không trích lập chi phí dự phòng rủi ro một đồng nào, nhưng lợi nhuận vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ngân hàng nhỏ khác là BacABank cũng có lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh, giảm 27% xuống còn 179 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng lên mức 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ngân hàng không trích lập.
Còn tại Kienlongbank, trước trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn có kết quả lợi nhuận thuần khá tích cực, tăng 64% so với cùng kỳ, đạt 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng quý 1/2020 đột ngột tăng tới 37 lần so với quý 1 năm ngoái, lên 69 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm trong những tháng đầu năm chủ yếu do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, có thể vì nợ xấu đang diễn biến xấu, hoặc vì tạo nguồn lực nhiều nhất có thể để xử lý nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lãi suất cho vay lại giảm ảnh hưởng tới NIM khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng chậm lại, trong khi đây vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu, chiếm đến trên 70% tại các ngân hàng lớn và hơn 90% tại đa số các ngân hàng nhỏ.