MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam

Mới đây, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu GWEC đã cảnh báo, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng ngành điện gió. Nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể sẽ rơi vào chu kỳ "bùng nổ-phá sản" như các quốc gia châu Âu, châu Mỹ trước đây.

Hiệp hội này cho rằng các nhà đầu một mặt chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19, mặt khác lại gặp thách thức chung trong giai đoạn đầu phát triển dự án. Khi giá mua bán điện gió giảm mạnh, họ khó có thể cân đối tài chính, từ đó dẫn đến "phá sản".

Việc dừng giá FIT có thể làm giảm tới 80% việc lắp đặt điện gió mới vào năm 2023, và tiếp tục giảm 25% mỗi năm sau đó.

GWEC Market Intelligence đã hạ 75% dự báo công suất lắp đặt điện gió mới đến năm 2020 xuống còn 125 megawatt (MW) do sự chậm trễ trong việc thực thi Luật Quy hoạch và sự gián đoạn từ Covid-19. Điều này sẽ khiến công suất điện gió tích lũy chỉ còn 472MW vào cuối năm nay, có nghĩa là Việt Nam sẽ bỏ lỡ mục tiêu 800 MW công suất điện gió vào năm 2020, theo Quy hoạch phát triển điện VII, giảm 41%.

Trước đó, hồi tháng 9, hiệp hội này đã phát đi một thông cáo từ Singapore, kêu gọi Chính phủ Việt Nam gia hạn biểu giá FIT áp dụng cho điện gió. Tổ chức này lập luận rằng, Việt Nam đang là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất khoảng 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt. Dự kiến ít nhất 4GW sẽ được vận hành vào năm 2025.

"Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào việc phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đã giảm tốc trong năm 2020 do sự không chắc chắn về chính sách" - Hiệp hội này nhận định - "Điều này có thể làm chậm tiến trình hướng tới tương lai nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá phải chăng của Việt Nam.

Giám đốc điều hành GWEC Ben Backwell đánh giá: "Việt Nam đã được công nhận rộng rãi là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch ở Đông Nam Á và thu hút cam kết đầu tư từ một số doanh nghiệp đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT, nhằm đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện".

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc GWEC Mark Hutchinson thì cho rằng, Việt Nam đang trên đà đạt lợi thế về quy mô và giảm chi phí trong ngành điện gió. Chậm trễ gia hạn biểu giá FIT dễ dẫn tới nguy cơ suy giảm của ngành sau giai đoạn bùng nổ. Về lâu dài, có thể ảnh hưởng tới nỗ lực giảm chi phí nhờ phát triển chuỗi cung ứng nhất quán và có quy mô lớn.

Ngoài ra, Hiệp hội này cho rằng, thị trường điện gió ở Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. Theo ước tính của IRENA vào năm 2018, 4GW điện gió dự kiến được vận hành vào năm 2025 thu hút khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư.

Dự báo, ít nhất 1,65 GW từ các dự án điện gió được bổ sung từ giờ đến khi giá FIT hiện tại hết hiệu lực. Cũng vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm gần 7GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam điều chỉnh (PDP 7 Điều chỉnh). Tuy nhiên, con số 7GW này có thể không đạt được do các nhà đầu tư không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FIT.

Tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công thương, kiến nghị kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời "thêm ít năm nữa". Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các Bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió, đề xuất kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió đến hết năm 2023.

Bộ nêu ra các nguyên như hoạt động đăng kí đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị đình trệ hơn một năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện.

Nhiều dự án đã được bổ sung quy hoạch cần thời gian triển khai khoảng 2-3 năm trong khi thời hạn hiệu lực còn lại của cơ chế giá FIT không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động. Các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án ngoài khơi, đòi hỏi thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng dài hơn (trên bờ khoảng 2 năm, trên biển gần bờ khoảng 3-3,5 năm).

Cùng với đó, các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy phép sử dụng khu vực biển khá phức tạp, hiện chưa có quy định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển...dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng chi phí đối với cá dự án trên biển. Dịch Covid-19 kéo dài cũng đã và đang gây tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Hồng Nhuận (Tổng hợp)

Kinh doanh và phát triển

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên