MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiểu đúng về mật ong nguyên chất

20-01-2018 - 08:14 AM | Thị trường

Mật ong thật nhưng chưa được xử lý, loại bỏ các thành phần có thể phát sinh độc tố sẽ gây hại cho người dùng.

Giới chuyên môn cho biết dù là mật ong thật nhưng không phải loại nào cũng tốt cho sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, trên thị trường còn tràn lan mật ong giả được làm tinh vi, rất khó phân biệt.

Hàm lượng nước cao dẫn đến lên men

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành Công ty CP Ong mật TP HCM, cho biết nhiều người có suy nghĩ mua được mật ong thật là yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác, chẳng những không tốt mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Chẳng hạn, mật ong mua tại trại được lấy trực tiếp chưa hẳn đã sạch nếu có hàm lượng nước cao hơn 23%, chưa kể các tạp chất khác. Hàm lượng nước cao như vậy sẽ khó cho việc bảo quản, mật ong dễ bị lên men dẫn đến có vị chua. Tùy vào vi sinh vật gây men cũng như cơ địa của mỗi người mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiểu đúng về mật ong nguyên chất - Ảnh 1.

Mật ong tự nhiên nếu không được chế biến đúng cách có thể bị lên men Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, mật ong tự nhiên chưa qua xử lý thường có hàm lượng thủy phân cao nên dễ lên men, tạo ra chất glycerol có hại. Nhiều mẫu mật ong kiểm nghiệm cho kết quả xấu, thậm chí có mẫu lên đến 2.100 mg glycerol/kg, nấm men lên đến 200.000-300.000 cuf/g, trong khi mức cho phép rất thấp… Ong lấy mật từ 2 nguồn: hoa (cà phê, vải, nhãn…) và lá (tràm, cao su, điều, keo lai). Thành phần đường trong mật ong với 2 loại chính là fructose và glucose. Tỉ lệ 2 loại đường này sẽ quyết định mật ong kết tinh nhiều hay ít. Nếu tỉ lệ đường fructose lớn thì ít bị kết tinh hơn. Ong lấy mật từ hoa thì đường fructose lớn hơn, nếu lấy mật từ lá sẽ ít hơn. Tùy vào hoa, lá mà mật sẽ có màu sắc đậm nhạt khác nhau.

Mật ong lấy từ cây tràm, cao su do trồng trên diện tích lớn, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng an toàn hơn. Trong khi mật lấy từ hoa cây nhãn, cà phê, chôm chôm, vải cũng như nhiều loại hoa khác bị người trồng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên không an toàn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là mật an toàn và không an toàn. Để phân biệt, người tiêu dùng chỉ có thể qua thông tin trên bao bì sản phẩm là loại hoa, lá mà ong lấy mật, kể cả vùng lấy mật.

Đến nay, vẫn chưa có phương pháp tách thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi mật ong, chỉ chờ qua thời gian, tỉ lệ nhiễm giảm dần.

Mật ong tốt cho sức khỏe là loại không có quá nhiều nước, không tạp chất, không nhiễm các chất độc hại. Để có loại mật an toàn thì phải được khai thác ở vùng không ô nhiễm, mật được đưa về các nhà máy xử lý, giảm nước xuống còn dưới 20% và qua các công đoạn lọc thô, lọc tinh.

Dễ nhiễm kháng sinh

Hiện nay, nhiều người nuôi lấy mật còn sử dụng cả kháng sinh để phòng ngừa, điều trị bệnh cho ong. Khi đã sử dụng kháng sinh, tuyệt đối không được khai thác mật trong thời gian điều trị cho ong. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, không ít người nuôi ong vẫn khai thác mật trong thời gian này.

Ngoài ra, vào thời điểm không có hoa, không ít trại nuôi ong bằng thức ăn chế biến như đường, bột đậu nành, phấn hoa... Ong nuôi bằng đường sẽ cho ra mật tương tự đường tinh luyện từ mía. Ong nuôi bằng thức ăn chế biến sẽ cho mật có chất dinh dưỡng thấp, không đáng kể so với mật tự nhiên.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, nhìn nhận thị trường mật ong rất phức tạp về chất lượng, người mua không thể phân biệt. Mật ong kém chất lượng phần lớn là sử dụng đường pha với một ít mật thật. Mật kém chất lượng còn do phần lớn người nuôi chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng.

Theo giới chuyên môn, nếu lấy 2 loại đường fructose và glucose có bán trên thị trường pha với hương vị, chất tạo màu để làm mật ong giả thì người mua rất khó phát hiện, thậm chí bắt mắt hơn hàng thật. Mật ong thật bị lên men do tỉ lệ nước cao, trong khi mật ong giả lại không bị tình trạng này. Thời gian gần đây, xuất hiện loại đường nước từ Trung Quốc được chế biến bằng nhiều công thức, trong đó có loại được sản xuất từ bắp với giá rất thấp (chưa tới 10.000 đồng/kg). Loại đường này có thành phần tương tự như đường có trong mật ong. Mật ong giả làm từ loại đường này có giá thành rất thấp, chỉ vài ba chục ngàn đồng/lít trong khi có thể bán cả trăm ngàn đồng.

Hiện nay, giá mật ong thật, nguyên chất được các công ty đóng chai bán lẻ từ 300.000-460.000 đồng/lít.

Ông Hồ Xuân Vinh, nuôi ong 33 năm ở Lâm Đồng, cho rằng giá mật ong tại trại khoảng 80.000 đồng/kg, tương đương 100.000 đồng/lít. Trong khi đó, nhiều người rao bán mật ong rừng với giá từ 700.000-800.000 đồng/lít nhưng phần lớn lấy mật từ các trại nuôi.

Phát sinh độc tố

Theo giới chuyên môn, mật ong nên hạn chế để trong tủ lạnh do nhanh kết tinh đường, đông đặc khó sử dụng. Mật ong nên để nơi thoáng mát, sử dụng trong khoảng 3 năm. Nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mật, không còn vị như ban đầu, màu sậm hơn.

Theo GS-TS Nguyễn Thị Kê, nguyên Trưởng Khoa kiểm nghiệm trung tâm Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, mật ong lên men sẽ sinh ra nấm, trong đó có cả loại có lợi và có hại. Trong những loại nấm có hại, tùy vào điều kiện có thể sinh ra độc tố aflatoxin ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Độc tố này có thể gây tổn thương đến gan, thận.


Theo Nguyễn Hải

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên