Hiệu ứng Brita – Vì sao con người không nên học quá nhiều và quá nhanh?
Hiệu ứng Brita lý giải vì sao con người không nên học quá nhiều, cố gắng nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn.
Trong cuốn sách Trí Tuệ Do Thái khi nhắc tới các phương pháp tăng khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức, tác giả có đề cập tới hiệu ứng Brita để giải thích về việc không nên cố gắng học quá nhiều, nhồi nhét quá nhiều kiến thức bởi: “Học nhiều thì chẳng được bao nhiêu, học ít thì học bao nhiêu được bấy nhiêu”.
Một vị giáo sĩ người Do Thái tỏ ra đồng tình: “Chính xác. Maharal và Gaon, hai trong số những nhà hiền triết vĩ đại nhất thế giới cho rằng, học từng chút một sẽ tốt hơn vì khả năng, trí tuệ của con người là có hạn. Do đó, ta phải tiến hành một cách từ từ và ôn luyện thường xuyên”.
“Mục đích của hầu hết các trường học là học được càng nhiều tài liệu thật nhanh, trong thời gian ngắn nhất càng tốt”, tác giả bực bội nói. “Rõ ràng như thế rất không hiệu quả và gây ra cho học sinh sự chán nản. Lời này là dành cho các vị giáo sư đấy”.
Trong buổi nói chuyện còn có sự xuất hiện của một giáo sư đại học có tên Itamar. Tác giả lập tức nhìn về phía vị giáo sư này:
Giáo sư Itamar gãi cằm và lau mồ hôi hai bên thái dương.
“Tôi cũng phải thừa nhận rằng sinh viên của mình có một danh sách dài những cuốn sách phải đọc”.
“Vậy đến cuối học kỳ, chúng thực sự còn giữ được gì không?”, thêm một người nữa tham gia vào màn công kích.
“Không nhiều lắm”, giáo sư Itamar thừa nhận, cười trừ và gật đầu chấp nhận thua cuộc.
“Hiệu ứng Brita. Cậu có nhớ không?” tác giả nói với ngài Itamar. “Có lần chúng tôi đã nói về chủ đề đó”.
“Hiệu ứng Brita là gì?”, Scheneiderman – một người bạn của tác giả hỏi.
“Cậu có biết máy lọc nước Brita (một thương hiệu máy lọc nước của Mỹ) không?”
“Có”, Scheneiderman trả lời, vẫn đang cố tìm ra mối liên hệ giữa chúng.
“Chiếc máy kỳ cục đó cũng giống như việc học hành”, tác giả giải thích. “Mỗi lần cậu phải đổ một lượng nước nhất định vào đó và chờ cho nước thấm dần qua bộ lọc xuống bên dưới. Nếu cậu đổ quá nhiều nước, nó sẽ bị tràn và cậu mất hẳn lượng nước tràn đó. Điều tương tự cũng xảy ra với việc học hành. Mỗi lần học một ít và để kiến thức thấm dần. Khi kiến thức đó đã thấm xong, cậu có thể học thêm một chút nữa, từng chút một. Nếu cậu học ‘quá nhiều’, tức là học liên tục nhiều giờ liền, như thế sẽ không tốt và kiến thức khi đó sẽ bị ‘tràn’ khỏi đầu cậu”.
“Hay thật” – vị giáo sư thốt lên. “Hiệu ứng Brita”, ông nhắc lại.
Nhìn chung nếu chỉ một chút thôi nhưng có mục đích còn hơn là nhiều mà không có mục đích gì cả. Tác giả gợi ý rằng mỗi lần học chỉ nên tập trung vào một chút thôi. Chẳng hạn, nếu lấy 150 bài thánh thi và chia cho 30 ngày thì mỗi ngày chỉ phải học 5 bài thôi. Trong trường đạo, mỗi sinh viên chỉ nên học hai bài luận mỗi ngày.
“Nói tóm lại, khả năng tập trung và nắm kiến thức của mỗi người là có hạn. Càng nói nhiều thì càng nhớ được ít. Kiến thức càng được đơn giản hóa và đi vào vấn đề chính thì khả năng nhớ được kiến thức đó càng cao".
Trí thức trẻ/CafeBiz