MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu ứng Diderot khiến con người rơi vào vòng xoáy mua sắm như thế nào?

11-06-2022 - 20:43 PM | Lifestyle

Bạn đã bao giờ mua một món đồ rồi vứt xó thậm chí chưa dùng lần nào? Bạn có thắc mắc lý do tại sao bản thân lại mua những thứ không cần thiết đó? Đơn giản vì bạn đã bị hiệu ứng Diderot điều khiển! Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu ‘nguyên lý hoạt động’ và cách phòng tránh những trường hợp tương tự nhé!

Mua một bộ quần áo mới ư? Không. Bạn sẽ phải mua thêm một chiếc giày mới, một chiếc cặp mới, một chiếc đồng hồ mới, thậm chí một chiếc ốp điện thoại mới để “fix” nguyên bộ. Đi siêu thị để mua nguyên liệu làm lẩu cho một bữa ăn ư? Không. Bạn sẽ phải mua thêm (rất) nhiều thứ khác nữa. Sự thật rằng khi chính thức bước vào vòng xoáy của hiệu ứng Diderot, bạn sẽ trở thành người mua hàng rất “nhiệt tình” và kết quả là một số lượng lớn món đồ sẽ phải nằm trong kho nhà bạn vĩnh viễn! Đã đến lúc bạn cần trang bị cho mình đủ nhận thức và kiến thức để trở thành một người mua hàng thông minh.

Hiệu ứng Diderot khiến con người rơi vào vòng xoáy mua sắm như thế nào? - Ảnh 1.

Hiệu ứng Diderot - nguồn gốc, nguyên nhân?

Denis Diderot - nhà triết học nổi tiếng người Pháp Denis Diderot, tác giả của cuốn Encyclopédie (một trong những bộ bách khoa toàn thư toàn diện nhất thời bấy giờ) gần như cả đời sống trong cảnh nghèo khó cho tới năm 1765. Khi ấy Diderot 52 tuổi và có con gái sắp cưới, nhưng ông không đủ khả năng cung cấp của hồi môn cho con. May mắn thay, hoàng hậu Nga Catherine Đại đế khi nghe nói về những rắc rối tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua thư viện của ông với giá 1000 bảng anh (khoảng 50.000 USD). Với số tiền “khổng lồ” từ thương vụ mua bán, Diderot không những có thể dành tặng con gái một phần của hồi môn hậu hĩnh, ông còn tự sắm cho mình một chiếc áo choàng đỏ tươi xa xỉ. Vòng xoáy mua sắm bắt đầu.

Ông tự nhận thấy một sự chênh lệch quá lớn giữa chiếc áo choàng đắt đỏ với những món đồ còn lại của mình. Nhà triết học sớm cảm thấy thôi thúc phải mua một số thứ mới để phù hợp với vẻ đẹp của chiếc áo choàng ấy. Ông thay tấm thảm cũ bằng tấm mới từ Damascus, trang trí nhà với những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, mua một chiếc bàn bếp đẹp hơn và một chiếc gương mới để đặt phía trên tấm áo choàng. Những giao dịch mua bán này được gọi là Hiệu ứng Diderot.

Hiệu ứng nói rằng việc sở hữu một món đồ mới sẽ khiến bạn muốn có được nhiều thứ mới hơn ( vòng xoáy tiêu dùng). Kết quả là chúng ta kết thúc việc mua những thứ mà bản thân trước đây không bao giờ cần để cảm thấy hạnh phúc hoặc thỏa mãn với thực tại nhất thời.

Hiệu ứng Diderot khiến con người rơi vào vòng xoáy mua sắm như thế nào? - Ảnh 2.

Trên thực tế, nguyên nhân của hiệu ứng này được hiểu rất đơn giản: bởi vì con người luôn có xu hướng “bổ sung, nâng cấp, xây dựng” (add, upgrade,build) và họ luôn muốn ‘làm đầy’, đồng bộ hóa cuộc sống của bản thân theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, khi bạn mua một bộ sofa mới cho phòng khách, ngay lập tức bạn sẽ cân nhắc lại toàn bộ nội thất, đồ đạc của cả căn phòng.

Kết quả - Hậu quả và con đường trở thành người mua hàng thông minh

Đối với một số trường hợp, việc bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Diderot sẽ tạo nên kết quả tích cực bởi sự thống nhất mà hiệu ứng mang lại (tuy nhiên, vẫn cần phụ thuộc vào nhu cầu mỗi cá nhân). Ví dụ khi mua một căn nhà mới, chắc chắn bạn sẽ cân nhắc về việc mua toàn bộ nội thất mới để phù hợp với căn nhà, khi mua một chiếc váy mới bạn sẽ tìm một đôi guốc và một bộ khuyên tai “fix” với chiếc váy.

Hiệu ứng Diderot khiến con người rơi vào vòng xoáy mua sắm như thế nào? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần trang bị đủ nhận thức để biết khi nào bản thân đang bị hiệu ứng này điều khiển nhằm tránh ‘đầu tư’ vào những món đồ không dùng tới. Sau đây là một số cách giúp bạn trở thành một người mua hàng thông minh:

    1. Lên list những danh sách cần mua trước

Việc này sẽ giúp bạn không nghĩ tới những món đồ khác mà chỉ tập trung vào những thứ có trong danh sách

    2. “Mua 1, tặng 1”

Nếu bị hiệu ứng Diderot điều khiển, bạn rất dễ mua những thứ mình đã có , vì vậy bạn cần có sẵn tư tưởng trong đầu: “Nếu mình mua món đồ này, thì món đồ tương tự kia sẽ được bán/cho hay chuyển đi đâu?”

    3. Tự giới hạn và đặt câu hỏi cho bản thân

Đây là biện pháp cuối cùng và nó đòi hỏi sự nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, nhận thức của bạn. Mỗi khi mua một món đồ nào đó, hãy hỏi bản thân: “Mình có thực sự cần nó không, cuộc sống sẽ ra sao nếu có/không có món đồ đó?”

Kết

Mong rằng sau khi đọc và hiểu về hiệu ứng Diderot, bạn có thể áp dụng các cách trên đây vào thực tiễn cuộc sống để trở thành người mua hàng thông minh. Mặc dù xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu dùng nhiều hơn, mỗi người cần biết thế nào là đủ và lấp đầy nhu cầu cuộc sống với số lượng tối ưu.

Theo Chi Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên