Hình ảnh ngày đầu xét xử cựu CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm
Theo ghi nhận của PV sáng 8/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng được thắt chặt an ninh, nhiều lực lượng được triển khai kiểm soát quanh khu vực trụ sở Tòa án Nhân dân TPHCM (TAND).
- 07-12-2022Hình ảnh lạ ở TAND TP HCM trước buổi xét xử CEO Nguyễn Thái Luyện
- 26-03-2022Hoàn tất cáo trạng, truy tố Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm
- 27-07-2021Vợ CEO Alibaba Nguyễn Thái Luyện cấu kết với em chồng rửa tiền
Sáng nay 8/12, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - gọi tắt Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Phiên tòa được đánh giá là “kỷ lục” trong lịch sử tố tụng bởi nhiều điều chưa có tiền lệ. Cụ thể, đây là phiên tòa có nhiều người tham gia nhất với số bị hại khoảng 4.500 người , hồ sơ vụ án có hơn 1 triệu bút lục và thời gian xét xử dự kiến kéo dài gần một tháng (từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023).
Để tổ chức phiên tòa, TAND TPHCM đã dựng 3 nhà bạt với sức chứa khoảng 2000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên tòa có chỗ làm việc.
Từ sáng sớm 8/12, an ninh phiên toà được thắt chặt nghiêm ngặt.
Theo ghi nhận của PV, từ sáng sớm 8/12, an ninh phiên toà được thắt chặt nghiêm ngặt, người tham dự phiên toà phải xuất trình thẻ được đăng ký hoặc toà triệu tập từ trước.
Nhiều lực lượng hỗ trợ an ninh được huy động triển khai kiểm soát nhiều vòng từ khu vực bên ngoài đến bên trong trụ sở TAND TPHCM.
Xe chuyên dụng của các lực lượng y tế, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được huy động đến hỗ trợ phiên phiên tòa.
TAND TPHCM đã dựng 3 nhà bạt với sức chứa khoảng 2000 người. Bên trong nhà bạt, toà án cho lắp đặt bục khai báo và lắp đặt camera để các đương sự được bố trí chỗ ngồi tại khu vực này có thể trình bày ý kiến.
Những người liên quan đến dự phiên tòa phải xuất trình giấy triệu tập và giấy tờ tùy thân.
Phóng viên tác nghiệp tại khu vực phiên tòa.
Luật sư trả lời báo chí trước khi phiên tòa diễn ra.
Khoảng 7h50 sáng 8/12, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm được lực lượng cảnh sát áp giải tới tòa.
Khi xe cảnh sát vừa dừng lại bên hông tòa án, cảnh sát nhanh chóng dẫn giải Nguyễn Thái Luyện vào phòng xử án.
Các bị cáo được dẫn giải đến phòng xét xử. Đến khoảng gần 9h30 sáng nay, HĐXX đã tiến hành xong phần thẩm tra lý lịch tư pháp của Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa sáng 8/12.
Các đương sự có mặt theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình.
Theo TAND TPHCM, do số lượng bị hại lên đến 4.500 người nên trong các ngày xét xử, lượng bị hại sẽ chia ra trong nhiều ngày theo từng dự án của Công ty Alibaba để tránh mất thời gian đi lại và tòa cũng không bị quá tải.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị truy tố về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội "Rửa tiền".
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của mình làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Để có tiền mua đất, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như: Đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tiền phong