[Hồ sơ] Ngành hàng không 2018: Thị phần Vietjet Air vượt mặt Vietnam Airlines, bầu trời chật chội, hãng tư nhân rậm rịch xin cất cánh
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
- 12-11-2018Vietnam Airlines, Vinalines, ACV… về "Siêu Uỷ ban"
- 23-10-2018Vietnam Airlines là hãng hàng không nội duy nhất khai thác sân bay Long Thành?
- 08-10-2018ANA Holdings sẽ mở rộng hoạt động hợp tác với Vietnam Airlines
Việt Nam là thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng khách du lịch hàng không tại Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có tăng trưởng kép ở mức 17,4% so với trung bình Asean là 6,1%. Dự đoán của tổ chức này cũng chỉ ra mức tăng trưởng 2016-2026 của Việt Nam thậm chí còn cao hơn 20%.
Cũng nhận định tích cực, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình gần 14% trong 5 năm tới và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Theo công ty chứng khoán Bản Việt, mức tăng trưởng này đạt được do 3 xu hướng chính gồm: Du lịch Inbound, Du lịch Outbound và du lịch nội địa, Sản xuất. Ngoài ra, ngành hàng không ở Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi như lãnh thổ trải dài với phần lớn diện tích là địa hình đồi núi, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, thu nhập bình quân đầu người và tỷ trọng dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thời gian vận chuyển bằng đường không thường ngắn hơn nhiều so với các hình thức vận chuyển khác.
Tính đến tháng 11/2018 các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 50 triệu khách du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng đã vận chuyển gần 400.000 tấn hàng hóa, tăng 26% so với cùng kỳ.
Khách du lịch sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới
Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm qua, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 14 triệu lượt trong 11 tháng năm 2018.
Số liệu của chuyên gia Anh cũng tương đồng với thống kê của Tổng cục Du lịch, 11 tháng của năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 14,1 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Trong nhóm này có 11,4 triệu khách du lịch quốc tới tới Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ghi nhận của Chứng khoán Bản Việt, lượng khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không đạt mức tăng trưởng tăng trưởng lũy kế hằng năm (CAGR)14,4%/năm trong giai đoạn 2012-2017 (Tổng cục thống kê).
Còn dự báo từ Euromonitor, tốc độ CAGR của ngành hàng không Việt là 7,9%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Theo Hiệp hội hàng không quốc tế dự đoán thị trường hàng không Việt, tỷ lệ CAGR trong 1 thập kỷ tới (2017-2027) sẽ là 3,6%.
Tỷ lệ tăng trưởng du khách quốc tế bằng đường hàng không lũy kế hàng năm của Việt Nam. Nguồn: Chứng khoán Bản Việt.
Tăng trưởng hành khách sẽ đến từ thị trường nội địa lớn mạnh và nhu cầu từ Trung Quốc
Số liệu từ Tổng cục du lịch cho thấy trong 14,1 triệu khách quốc tế có 4,5 triệu khách đến từ Trung Quốc, chiếm 31,9%. Công ty chứng khoán Bản Việt cũng cho rằng số lượng khách từ quốc gia này đã tăng trưởng 40-50% giai đoạn 2016-2017.
Các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy đến năm 2022, Trung Quốc sẽ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Các hãng hàng không Việt Nam nắm được xu hướng này nên đang mở rộng các đường bay đến Đông Bắc Á, trong đó có Trung Quốc.
Lượng khách Trung Quốc lớn kèm theo hiện tượng nóng về tour du lịch 0 đồng. Theo đó các tỉnh du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… đều xuất hiện. Vào mùa cao điểm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, trung bình mỗi ngày Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đón khoảng hơn 10.000 khách Trung Quốc. Sau khi vào Việt Nam, khách Trung Quốc đi theo "tour 0 đồng" đều phải đến tham quan, mua sắm tại hơn 10 cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, đệm cao su, trang sức… được đặt tại Tp.Móng Cái và Tp.Hạ Long.
Về khách nội địa, VDSC dự đoán giai đoạn 2012-2017 khách du lịch hàng không nội địa sẽ tăng 28%, gấp đôi so với mức tăng trưởng của khách quốc tế.
Điều này có được do thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi giai đoạn 2007-2017. Ngoài ra các nghiên cứu của Nielsen và ngân hàng thế giới cũng cho thấy xu hướng chuyển từ tiết kiệm sang du lịch của người Việt Nam. Điều này có lợi cho ngành hàng không.
Khối lượng vận tải hàng không sẽ tăng gấp 3 trong 10 năm tới
Ngành hàng không còn được hưởng lợi từ việc xuất khẩu linh kiện máy tính, đồ điện tử. Trong các mặt hàng sản xuất, đây là những mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất với mức 32,7% so với năm 2016. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu điện tử tăng trưởng kép 22% giai đoạn 2013-2017. Ngoài ra với việc Samsung tăng cường đầu tư tại Việt Nam cũng vận tải hàng không được lợi khi 97% smart phone và linh kiện được vận chuyển bằng phương thức này.
Hạ tầng hàng không: Bài toán cấp bách với tăng trưởng dài hạn
Nhiều sân bay tại các thành phố lớn phải hoạt động quá công suất, như sân bay tại TPHCM là 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng quá tải 113%, mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm.
Trong hơn hai năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng công suất từ 25 triệu đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay nội địa Đà Nẵng hiện với công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách/năm.
Trong khi đó, Nha Trang đang bị chậm tiến độ với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn 1 trì hoãn từ đầu năm 2016 đến quí 1-2018. Tuy nhiên, với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến tại sân bay này là 2,5 triệu hành khách/năm cũng sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.
Tháng 4/2018, tại cuộc làm việc với Bộ GTVT, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Từ đó, Bộ GTVT cùng với Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh nếu không làm sớm quy hoạch thì sân bay Nội Bài cũng sẽ rơi vào tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất và sẽ ùn tắc.
Với sân bay Tân Sơn Nhất, theo quy hoạch điều chỉnh được công bố hồi tháng 12, đến năm 2020 và định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu khách/năm. Quy hoạch bổ sung nhà ga T3 ở phía Nam có công suất đáp ứng 20 triệu khách/năm với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 7.600 tỷ đồng
Ngay sau đó, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP) có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất xin thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Hệ thống Nhà ga hành khách, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hay mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sân bay Vân Đồn dự kiến sẽ đón chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/12. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khởi công từ tháng 3/2016 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Công suất thiết kế sân bay giai đoạn đầu là 2 triệu khách/năm và sẽ tăng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030. Sân bay này do SunGroup đầu tư.
Với dự án sân bay Long Thành, thông tin hồi tháng 10 cho biết dự án gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Thị phần Vietjet vượt Vietnam Airlines
Sau hơn 6 năm kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet Air đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.
Cùng với việc mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế, Vietjet đạt hệ số sử dụng ghế trung bình là 88,05%. Nhờ đó, thị phần của Vietjet Air đã tăng lên 43% vào cuối năm 2017, vươn lên vị trí là hãng hàng không hàng đầu tại Việt Nam.
Ngoài 82 đường bay, bao gồm 38 đường bay nội địa, 44 đường bay quốc tế thường lệ, trong năm qua Vietjet còn thực hiện 37 đường bay thuê chuyến với hơn 1.000 chuyến bay trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu bay tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Vietjet Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Sang năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines lên tới 70%. Tuy nhiên, liên tục các năm sau đó, Vietjet Air với chiến lược đúng hướng đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt 41% vào năm 2016 trong khi Vietnam Airlines giảm xuống chỉ còn dưới 42%.
Không chỉ vượt về thị phần, Vietjet Air còn vươn lên về chỉ số tài chính. Báo cáo tài chính quý 3-2018 của Vietnam Airlines và Vietjet Air cho thấy kết quả kinh doanh trái ngược nhau.
Cụ thể, Vietjet ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến đến 1.709 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 của Vietnam Airlines chỉ đạt 571 tỉ đồng, giảm tới 65%.
Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietjet đạt 3.868 tỉ đồng, vượt xa con số 2.426 tỉ đồng của Vietnam Airlines, dù doanh thu chưa bằng một nửa Vietnam Airlines.
Hàng không tư nhân suốt ruột xin cất cánh
Ngành hàng không trong năm 2018 còn chứng kiến nhiều hoạt động của hãng hàng không BamBoo. Theo đó hồi tháng 3, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy, lễ ký hợp đồng thỏa thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa FLC và Airbus được diễn ra tại Paris, Pháp.
Đến tháng 4, đợt tuyển dụng quy mô đầu tiên của hãng hàng không này với nhu cầu lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên.
Tuy nhiên để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ cho công chúng, hồi tháng 8 Bộ GTVT cho biết Công ty Tre Việt cần phải có chứng chỉ nhà khai thác máy bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam giám sát chặt chẽ quy trình xin cấp AOC của Công ty Tre Việt cũng như thực hiện đúng quy định của Luật Hàng không dân dụng về các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Tre Việt.
Tới tháng 11, Thủ tướng Chính phủ chính thức đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của Tập đoàn FLC.
Ngoài BamBoo Airway, hãng hàng không Vietstar Airlines trong năm 2018 cũng đang quyết liệt thực hiện các thủ tục xin cấp phép. Tuy được cấp phép sau hơn 1 năm kể từ khi thành lập, đến nay, Vietstar Airlines vẫn chưa được chấp thuận bay. Trở ngại của hãng là do sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Nếu được cấp phép, Vietstar Airlines sẽ kinh doanh theo mô hình hàng không giá rẻ (LCC) hoặc hàng không siêu rẻ (ULCC).
Trí Thức Trẻ