MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồ sơ "xin bay" của Bamboo Airways: Khai thác A320/A321 với số lượng ban đầu 3 chiếc từ năm 2019

Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ trưởng GTVT văn bản báo cáo kết quả thẩm định Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của công ty TNHH Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo Cục Hàng không, hồ sơ của Bamboo Airways là đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Nghị định 92. Ngoài ra, hồ sơ còn có các tài liệu khác bao gồm: Báo cáo tài chính hợp nhất; Báo cáo kiểm toán độc lập của CTCP Tập đoàn FLC năm 2017; Bộ nhận diện thương hiệu của Bamboo Airways và Quyết định của Thủ tướng về chủ trương phê duyệt đầu tư dự án.

Điều kiện quan trọng nhất để được cấp giấy phép, theo Cục Hàng không, là phải đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.

Bamboo Airways theo báo cáo đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KHĐT Hà Nội cấp lần đầu 31/5/2017 và Sở KHĐT Bình Định cấp thay đổi lần 2 ngày 1/8/2017, ngành nghề kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hoá hàng không.

Công ty có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty TNHH MTV  có 1 chủ sở hữu duy nhất là CTCP Tập đoàn FLC.

Về tàu bay, Bamboo Airways dự kiến khai thác là tàu bay A320/A321 với số lượng khai thác ban đầu là 3 chiếc, bắt đầu từ năm 2019, với hình thức không có tổ bay (thuê khô). Loại tàu bay này đã được cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) cấp chứng chỉ loại và cục Hàng không Việt Nam cấp công nhận chứng chỉ loại.

Quy mô khai thác đội tàu bay là từ 3 – 20 tàu, trong giai đoạn 2019 – 2023. Công ty có thoả thuận với CDB Aviation Lease Finance (Hongkong) về việc thuê khô 3 tàu bay A320 với thời hạn 8 năm. Bên cạnh đó, FLC cũng ký biên bản ghi nhớ về việc mua 24 tàu bay A321 NEO.

Như vậy, tuổi tàu bay dự kiến khai thác đáp ứng yêu cầu của Khoản 2, Điều 6, Nghị định 92, Cục Hàng không nêu rõ.

Vốn điều lệ của công ty là 700 tỷ cũng được đánh giá là đủ khả năng đảm bảo yêu cầu về vốn chiếm hữu tàu bay cũng như duy trì hoạt động khai thác đội tàu bay.

Bamboo Airways đã làm việc và có biên bản ghi nhớ về cung cấp dịch vụ mặt đất, kiểm tra an ninh, dịch vụ sân đỗ, dự kiến đỗ tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phù Cát, Đồng Hới, Thọ Xuân, Cát Bi với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).

Dự kiến thực hiện từ tháng 1/2019. Công ty cũng có biên bản ghi nhớ về việc bảo dưỡng tàu bay, thiết bị, phụ tùng và đào tạo với công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO), và biên bản ghi nhớ về việc cung cấp nhiên liệu tại các sân bay với công ty Nhiên liệu hàng không Việt Nam (SKYPEC).

Điều kiện bộ máy cũng được đánh giá là đảm bảo khi hồ sơ của Bamboo Airways nêu được bộ máy tổ chức khai thác, bảo dưỡng với các chức năng, nhiệm vụ rõ ràng cùng chương trình hoạt đông, con người cụ thể.

Các vị trí theo yêu cầu của Nghị định 92 đều là các chuyên gia người Việt có chứng chỉ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp, nhiều năm công tác trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam, đáp ứng được điều kiện tổ chức bộ máy  theo Điều 7, Nghị định 92.

Bamboo Airways sẽ phát triển mạng đường bay kết nối các đường bay trực tiếp từ Hà Nội, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Macau, Nhật Bản.

"Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không Tre Việt đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tày bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 92 và phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định 30", Cục Hàng không cho biết.

Từ các căn cứ trên, cùng với nhu cầu thị trường, thực tiễn và khả năng giám sát an toàn hàng không, khả năng đáp ứng của hạ tầng hàng không, Cục Hàng không kiến nghị Bộ trưởng GTVT xem xét và thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép Kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên