Hỗ trợ vốn lãi suất 0% cho “ngân hàng 0 đồng”?
Việc mua lại ngân hàng yếu với giá 0 đồng, cùng chính sách hỗ trợ được đưa vào dự án luật...
- 13-12-2016Ngân hàng 0 đồng có thể trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài
- 06-10-20163 ngân hàng 0 đồng: Ngày ấy – bây giờ
- 04-10-2016Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ các ngân hàng 0 đồng và TCTD yếu kém
- 04-10-2016Ngân hàng 0 đồng có thể là trọng tâm kiểm toán 2017
Như VnEconomy giới thiệu ở các bản tin trước, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố dự thảo lần 1 Luật Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tình huống mua lại ngân hàng với giá 0 đồng được đặt ra chi tiết.
Theo dự thảo, việc mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại nhằm tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống; khi tổ chức đó có giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng, hoặc có tổ chức tín dụng đề xuất mua tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Với việc chỉ định tổ chức tín dụng tiến hành mua lại, tổ chức đó phải có phương án khả thi theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Khi không có tổ chức tín dụng đề xuất mua, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém thuộc diện bị mua lại bắt buộc (sau khi không khắc phục được tình trạng âm vốn điều lệ…).
Theo dự thảo, nội dung phương án mua bắt buộc phải bao gồm các nội dung tối thiểu là chủ thể mua, giá mua 0 đồng cũng được nêu cụ thể.
Dự thảo cũng nêu chi tiết các nội dung phục hồi hoạt động sau khi mua bắt buộc, như phương án tăng vốn và thời hạn thực hiện phương án tăng vốn; phương án hoạt động kinh doanh trong từng giai đoạn phù hợp với thực trạng; phương án cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành; phương án xử lý các tồn tại, yếu kém về tài chính, nợ xấu, tài sản bảo đảm và các biện pháp khắc phục các vi phạm pháp luật; phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân; tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác…
Đáng chú ý, theo nội dung dự thảo luật trên, nhiều biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc được đưa ra, trong đó liên quan đến việc cấp vốn và chính sách cho vay hỗ trợ nguồn.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc được áp dụng một trong một số các biện pháp theo phương án mua bắt buộc đã được Chính phủ phê duyệt, như được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ; hoặc được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%.
Những trường hợp trên cũng có thể được áp dụng vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất đến 0% trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; hoặc có thể được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất đến 0% trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, những trường hợp trên có thể được nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Như trên, theo nội dung dự thảo, các tổ chức tín dụng yếu kém được mua bắt buộc được áp dụng một trong các biện pháp nói trên.
VnEconomy