"Họ Xây lắp dầu khí" sau hàng loạt biến cố: Thua lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu không bằng cốc trà đá
Chỉ trong 2 năm 2012 – 2013, PVX đã lỗ tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng.
- 04-10-2017Tổng Xây lắp Dầu khí (PVX) bổ nhiệm CEO mới thay cho ông Nguyễn Anh Minh bị khởi tố
- 26-09-2017Bắt kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí cùng 3 người của PVN, PVC vì sai phạm tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2
- 12-07-20176 tháng đầu năm 2017, PVX ước lãi 45 tỷ đồng
Trong các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thì Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PVX) là một trong những tên tuổi “nổi bật” nhất. Tuy vậy, từ “nổi bật” này mang nhiều sắc thái tiêu cực hơn là tích cực.
Về mặt tích cực, sau 34 năm hình thành, PVX đã khẳng định được uy tín, năng lực trên các công trình trọng điểm của ngành Dầu khí và đất nước. Từ vai trò thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế, PVX đã trở thành Tổng thầu EPC thực hiện các công trình có quy mô ngày càng lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như Tổng kho LPG Gò Dầu, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2… Ngoài ra, PVX cũng khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, xây lắp giàn khoan, chân đế giàn khoan…
Đỉnh cao của PVX rơi vào năm 2010 khi Tổng công ty này đạt doanh thu thuần 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỷ lục gần 750 tỷ đồng. Khi đó, giá cổ phiếu PVX lên tới trên 30.000 đồng và trở thành Bluechips có tầm ảnh hưởng lớn trên sàn HNX.
Tuy vậy, việc đầu tư quá dàn trải, lập ra hàng chục công ty thành viên họat động trong các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản dưới thời cựu chủ tịch Trịnh Xuân Thanh đã khiến PVX phải trả giá. Kể từ cuối năm 2010, thời điểm “bong bóng” bất động sản, tài chính xì hơi khiến không ít dự án của PVX đình trệ và khó khăn bắt đầu xuất hiện.
Bắt đầu từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVX bắt đầu báo lỗ. Đến năm 2012 và 2013, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVX đồng loạt báo lỗ lớn, tiêu biểu như trường hợp PVC-ME lỗ hơn 570 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động. Kết quả, chỉ trong 2 năm 2012 – 2013, PVX lỗ tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng các khoản vay bảo lãnh ngân hàng.
Tính tới cuối quý 2/2017, rất nhiều công ty thành viên của PVX vẫn còn lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể tới CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) lỗ 738 tỷ đồng; CTCP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM) lỗ 483 tỷ đồng; CTCP Phát triển đô thị Dầu khí (PXC) lỗ 323 tỷ đồng,… Với kết quả ảm đạm của các công ty thành viên, không bất ngờ khi công ty mẹ PVX hiện vẫn còn lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVX hiện chỉ quanh mức giá "trà đá"
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PVX hiện chỉ dao động quanh vùng 2.500 đồng, tức không bằng…cốc trà đá. Điều tương tự cũng đến với các công ty thành viên có kết quả kinh doanh bết bát như PXM, PSG, PVV, PXT, PXI, PXC, PVA…
Dù vậy, trong các doanh nghiệp “họ PVX” vẫn có một vài điểm sáng đáng chú ý, đó là trường hợp CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) khi hoạt động khá hiệu quả với lợi nhuận mỗi năm quanh ngưỡng 100 tỷ đồng.
Hầu hết các doanh nghiệp họ PVX đang cõng những khoản lỗ lũy kế rất lớn
Rầm rộ tái cấu trúc, PVX lên kế hoạch thoái vốn khỏi hàng loạt công ty con
Sau nhiều năm gặp khó khăn chồng chất, PVX đã quyết định thực hiện tái cơ cấu tập đoàn và trọng tâm trong đó là thoái vốn khỏi một số công ty con.
Theo kế hoạch được công bố vào cuối tháng 3/2017, PVX sẽ thực hiện thoái vốn/ giải thể/ phá sản tại 23 đơn vị thành viên trong giai đoạn 2017 – 2010, bao gồm những cái tên như CTCP Đầu tư Hạ tầng và đô thị dầu khí (PTL), CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí IDICO (PXL), CTCP Trang trí nội thất Dầu khí (PID), CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (SDP)… Trong đó, riêng trong năm 2017, PVX sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu, thoái vốn/ giải thể/ phá sản tối thiểu 10 đơn vị.
Tuy nhiên, việc thoái vốn của PVX vẫn gặp không ít khó khăn bởi mức giá thoái vốn đưa ra thường không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng), cao hơn khá nhiều so với thị giá các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn của PVX nhìn chung cũng không còn nhiều điều hấp dẫn và phần lớn thua lỗ nên khó thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Trong danh mục được công bố, PVX hiện mới chỉ hoàn tất thoái vốn khỏi SDP vào giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua.
Trong năm 2017, PVX lên kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn/giải thể/phá sản tối thiểu 10 đơn vị trong danh sách
Trí Thức Trẻ