Hòa Phát chính thức nhập cuộc, điều gì đang xảy ra trên thị trường tôn mạ?
Trước năm 2016, khi chưa có sự thâm nhập ngành tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát thì cơ cấu ngành khá ổn định theo thế chân vạc với 3 công ty chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong ngành. Khi Hòa Phát nhập cuộc, thế chân vạc này hoàn toàn bị phá vỡ.
- 18-11-2017Bán hàng tôn mạ kim loại, sơn phủ màu và thép cuộn cán nguội diễn biến trái chiều
- 14-08-2017Xuất khẩu thép cuộn cán nguội giảm, tôn mạ tăng trong 7 tháng đầu năm
- 18-06-2017Áp thuế tự vệ tôn mạ: Lá chắn cho ngành thép nội địa
Ngành tôn thép của Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chạy đua thực sự về đầu tư theo chiến lược "tiên hạ thủ vi cường" của những đối thủ đầu ngành và trong cuộc chạy đua này, những công ty nào có tốc độ đầu tư mạnh mẽ nhất, chiếm được thị phần cao nhất, chi phí thấp nhất và kênh phân phối rộng nhất sẽ giành chiến thắng.
Trước khi có sự tham gia của Tập đoàn Hòa Phát vào ngành tôn mạ, cấu trúc ngành được xác lập ổn định với thế chân vạc
Ngành tôn mạ là ngành thường có chất lượng sản phẩm khá tương đồng giữa các công ty, vì vậy sự cạnh tranh thường theo chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp, theo đó, những công ty có thị phần lớn nhất và có chi phí thấp nhất, kênh phân phối rộng sẽ chiếm được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ có chi phí cao.
Trước năm 2016, khi chưa có sự thâm nhập ngành tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát thì cơ cấu ngành khá ổn định theo thế chân vạc với 3 công ty chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong ngành:
Thứ nhất, Tập đoàn Hoa Sen ở vị trí đầu ngành, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, thị phần năm 2017 của Tập đoàn Hoa Sen trong ngành là 34,3%.
Thứ hai, CTCP Thép Nam Kim ở vị trí thứ hai trong ngành. Với chiến lược liên tục đầu tư mở rộng thị phần, công ty đã vượt qua CTCP Tôn Phương Nam để trở thành công ty lớn thứ 2 trong ngành bắt đầu từ 2013. Thị phần của Thép Nam Kim liên tục tăng từ mức 4% năm 2011 lên mức 16,2% năm 2017.
Thứ ba, CTCP Tôn Đông Á ở vị trí thứ ba. Sự bứt phá của Tôn Đông Á bắt đầu từ 2015 khi công ty khánh thành các nhà máy mới quy mô lớn và liên tục đầu tư từ 2015 đến nay. Tôn Đông Á đã vượt qua Tôn Phương Nam để chiếm giữ vị trí thứ ba trong ngành. Năm 2017, Tôn Đông Á chiếm tỷ trọng khoảng 13% thị phần.
Bảng: Doanh thu thuần của các công ty trong ngành (tỷ đồng)
TT | Tên Công ty | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 |
1 | Tập đoàn Hoa Sen | 14.990 | 17.467 | 17.893 | 26.149 |
2 | Thép Nam Kim | 5.835 | 5.750 | 8.936 | 12.637 |
3 | Tôn Đông Á | 3.963 | 4.277 | 5.913 | 9.719 |
4 | Đại Thiên Lộc | 2.101 | 1.853 | 2.885 | 3.166 |
5 | Vnsteel Thăng Long | 946 | 1.060 | 1.199 | NA |
Nhờ liên tục đầu tư mở rộng và hiệu ứng tính kinh tế nhờ quy mô, cả 3 công ty trên đã trở thành những công ty có chi phí thấp hơn các đối thủ trong ngành và do đó, họ hoạt động hiệu quả hơn và kiếm được tỷ suất lợi nhuận cao hơn các đối thủ khác. Trước đây, ba công ty trên tập trung chủ yếu ở thị trường phía Nam, tuy nhiên, từ năm 2016, Hoa Sen đã đẩy mạnh đầu tư tiến ra thị trường miền Bắc và vì vậy trở thành một công ty bao phủ thị phần toàn quốc. Trong khi đó, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á vẫn có thị trường chủ lực ở thị trường phía Nam.
Những công ty còn lại trong ngành như Công ty Tôn mạ Vnsteel Thăng Long và Tôn Phương Nam, là doanh nghiệp có vốn góp của Tổng Công ty Thép Việt Nam là một doanh nghiệp nhà nước, hai công ty này là những đối thủ có chi phí cao hơn, đã phản ứng khá chậm chạp, và không chạy đua đầu tư dẫn tới thị phần giảm và ở mức thấp, Công ty Đại Thiên Lộc cũng đã không đầu tư mạnh trong suốt giai đoạn 2014 – 2017 và ở vị thế cạnh tranh yếu hơn khá nhiều so với 3 công ty đầu ngành, CTCP Thép Pomina mới bắt đầu đầu tư vào ngành tôn mạ năm 2017 và sẽ khó chiếm được thị phần đáng kể trong tương lai.
Như vậy, trước khi có sự tham gia của Tập đoàn Hòa Phát, cấu trúc ngành đã được xác lập tương đối ổn định khi cả 3 đối thủ đầu ngành tăng tốc quá trình đầu tư để chiếm được thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, cấu trúc ổn định của ngành đã bị phá vỡ bởi sự gia nhập ngành của một tập đoàn rất mạnh, đó là Tập đoàn Hòa Phát.
Sự tham gia của Tập đoàn Hòa Phát đã phá vỡ sự ổn định của cấu trúc ngành tôn mạ
Năm 2016, Tập đoàn Hòa Phát tham gia vào thị trường tôn mạ thông qua việc thành lập Công ty TNHH Tôn Hòa Phát vào năm 2016, đầu tư nhà máy công suất 400.000 tấn/năm ở Hưng Yên, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và quy mô vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng và bắt đầu cho sản phẩm ra thị trường từ năm 2018.
Sự tham gia của Tập đoàn Hòa Phát có tiềm lực tài chính rất mạnh đã phá vỡ cấu trúc ổn định của ngành và đưa đến một cấu trúc kém ổn định. Sản phẩm Tôn hòa Phát có lợi thế là tận dụng được kênh phân phối hiện có rất rộng của Tập đoàn Hòa Phát trong ngành thép. Vì vậy, hiện tại và trong tương lai gần, ngành có 4 đối thủ cạnh tranh mạnh nhất xếp theo sức mạnh thị trường đó là: (1) Tập đoàn Hoa Sen, (2) Thép Nam Kim, (3) Tôn Đông Á, (4) Tôn Hòa Phát.
Tuy nhiên, thông thường một ngành như ngành tôn mạ khi tiến đến trạng thái ổn định sẽ thường chỉ có 3 đối thủ chính, tạo thành thế chân vạc. Những đối thủ còn lại sẽ bị dồn ép và chỉ chiếm được một thị phần không đáng kể.
Sau một giai đoạn bị giảm thị phần trong giai đoạn 2012 – 2016 để thị phần lọt vào tay của hai đối thủ đứng sau là Nam Kim và Đông Á, từ năm 2017, với tư cách là công ty đầu ngành, Hoa Sen chính thức phát động một cuộc đua đầu tư mạnh mẽ để tái cấu trúc lại thị trường theo hướng đầu tư mạnh mẽ bao phủ thị trường toàn quốc và tận dụng lợi thế chi phí thấp nhất của mình để hạ giá bán để chiếm lĩnh thị phần và thanh lọc dần các đối thủ cạnh tranh yếu và có chi phí cao. Điều này khiến cho biên lợi nhuận trong ngành có xu hướng giảm xuống từ năm 2018 và những đối thủ có chi phí cao sẽ chứng kiến lợi nhuận bị bào mòn mạnh mẽ. Ngành Tôn mạ đang xảy ra một quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ để loại bỏ các đối thủ chi phí cao và tiến tới một cấu trúc ngành ổn định hơn.
Dự báo về cấu trúc của ngành trong tương lai
Dự báo về tương lai là một điều không chắc chắn, và cách tốt nhất để dự báo về tương lai là trình bày các kịch bản có thể có của tương lai. Một điều rất có khả năng là thị trường sẽ tiến từ 4 công ty mạnh về 3 công ty mạnh nhất để tạo thành thế chân vạc, lúc này cấu trúc của ngành mới trở nên ổn định. Vậy 3 công ty mạnh nhất trong tương lai sẽ là 3 công ty nào? Xin đưa ra một dự báo của cá nhân tôi về viễn cảnh trong tương lai cấu trúc của ngành tôn mạ như sau:
Thứ nhất, Tập đoàn Hoa Sen vị trí đầu ngành khá vững chắc trên phạm vi toàn quốc nhờ là công ty có chi phí thấp nhất trong ngành và tốc độ đầu tư hiện nay rất mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị phần.
Thứ hai, Tập đoàn Hòa Phát với Công ty Tôn Hòa Phát: Vị trí mạnh của Tôn Hòa Phát tại thị trường phía Bắc trong tương lai có lẽ sẽ được xác lập khá vững chắc vì có lợi thế là dựa vào thế kênh phân phối mạnh sẵn có của tập đoàn tại thị trường phía Bắc, từ đó, giảm chi phí phát triển kênh phân phối và tiềm lực tài chính mạnh của tập đoàn sẽ đảm bảo cho tốc độ đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.
Thứ ba, vị trí thứ ba sẽ là vị trí của một công ty chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn ở thị trường miền Nam và Nam Trung Bộ. Rất có khả năng vị trí thứ 3 sẽ thuộc về Tôn Nam Kim khi công ty này có thị phần lớn hơn và chi phí thấp hơn Tôn Đông Á, bên cạnh đó, Tôn Nam Kim đang đầu tư mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị phần mạnh hơn nhiều so với Tôn Đông Á.
Có lẽ vị trí khó chắc chắn nhất và khó khăn nhất để xác lập vị thế trong 3 công ty đầu ngành sẽ thuộc về Tôn Đông Á. Công ty này sẽ khó có thể cạnh tranh vị trí đầu ngành với Hoa Sen hay Tôn Hòa Phát (ở miền Bắc), và rất có thể nó chỉ có thể cạnh tranh vị trí với Tôn Nam Kim. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một quyết tâm rất cao và việc sẵn lòng đầu tư vốn lớn từ các cổ đông. Lúc này, ẩn số của thị trường khó dự đoán nhất sẽ nằm ở cuộc chạy đua đầu tư để dành một suất trong "tam cường" giữa Tôn Đông Á và Tôn Nam Kim.
Trí Thức Trẻ