MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoang mang vì 'đại gia cá tra' mất tăm

13-02-2017 - 09:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Giám đốc Công an tỉnh An Giang Bùi Bé Tư cho biết, đang xác minh thông tin vợ chồng bà chủ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) biến mất khỏi địa phương. Hàng loạt hộ nuôi cá tra thực hiện chuỗi liên kết với Tafishco có Agribank An Giang tham gia, rất hoang mang vì nguy cơ mất cả trăm tỷ đồng, sạt nghiệp.

Điều hành Tafishco hiện nay là Phó TGĐ Hoàng Hữu Thành. Ông Thành cho hay, từ ngày 20/11/2016, ông không còn liên lạc được với TGĐ Nguyễn Thị Huệ Trinh, cũng không biết bà và chồng là Chủ tịch HĐQT Tafishco đang ở đâu. “Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày 6/2, Tafishco khai trương hoạt động, chủ yếu gia công cho bạn hàng”, ông Thành nói.

Một trong 2 chuỗi liên kết thí điểm về cá tra của Chính phủ

Thống kê ban đầu cho thấy chỉ với 12 hộ nuôi cá tra sản lượng lớn ở tỉnh An Giang, Tafishco đã nợ họ khoảng 129 tỷ đồng. Họ như đang “ngồi trên lửa” bởi vì món nợ này mà Agribank An Giang không tiếp tục cho vay tiền mua thức ăn nuôi cá trong ao. Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang) than thở, mấy ao cá tra của ông đang kỳ lớn, tháng trước đã đạt 6-7 con/kg, không có đủ thức ăn nên bây giờ cá nhỏ lại, còn 9-10 con/kg “mà chưa tính được cá bị hao hụt”. Đối chiếu công nợ hồi đầu tháng 12/2016, ông Tấn bị Tafishco nợ gần 12 tỷ đồng trong khi ông cũng nợ Agribank An Giang chừng đó và Agribank An Giang yêu cầu, muốn tiếp tục vay tiền mua thức ăn cho cá thì phải trả nợ cũ. Các hộ khác lâm cảnh tương tự.

Nợ nần do chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-xuất khẩu cá tra giữa Tafishco và các hộ dân An Giang- một trong hai chuỗi sản phẩm cá tra ở ĐBSCL (chuỗi còn lại ở Đồng Tháp) thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, kỳ vọng đưa ngành cá tra đi lên. Đây là mô hình chuỗi liên kết được thực hiện thí điểm từ giữa năm 2014, kéo dài trong hai năm.

Lúc đó, Tafishco chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản, vừa được tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, có doanh số năm 2013 là 1.133 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2011). Chuỗi liên kết sản phẩm cá tra do Tafishco lập và các cấp thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện, cơ bản như sau: tiền mua thức ăn và thuốc chữa bệnh cho cá được ngân hàng cho vay theo nhu cầu, khoản nợ này sau đó chuyển sang Tafishco và sẽ được Tafishco trả cho ngân hàng sau khi xuất khẩu cá. Ưu điểm: tín dụng cho vay của ngân hàng theo chuỗi sản phẩm cá tra, không bị chia cắt như trước đây, cho hộ nuôi cá vay tách biệt với doanh nghiệp chế biến và cả doanh nghiệp chế biến thức ăn. Lãi suất cho vay chỉ 6,5% (thấp hơn thông thường 0,5%), khuyến khích sản xuất cá tra theo chuỗi để khắc phục khủng hoảng thừa-thiếu.

Các hộ nuôi cá muốn tham gia chuỗi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật và có ít nhất 30% vốn. Ông Tấn với hơn 2,8 ha mặt nước nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP, hộ khác còn đạt tiêu chuẩn BAP để sản phẩm vào thị trường Mỹ. Báo cáo hồi tháng 3/2016 của Tafishco, qua mấy vụ, chuỗi liên kết đạt kết quả rất tốt, người nuôi cá luôn có lời, doanh nghiệp ổn định nguyên liệu chế biến nên xuất khẩu hiệu quả cao.

Từ đó, tháng 5/2016, UBND tỉnh An Giang cho phép mở rộng chuỗi liên kết, Tafishco trở thành “doanh nghiệp đầu mối thực hiện chuỗi liên kết cá tra”, không chỉ trực tiếp thực hiện mà còn làm đầu mối thu hút nhiều doanh nghiệp khác tham gia. Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng vốn vay lên 416 tỷ đồng để mở rộng diện tích liên kết nuôi cá lên 72 ha với 30 hộ tham gia, kéo dài thời gian thí điểm đến tháng 5/2018.

“Tỉnh đang theo dõi tình hình”

Đột ngột, giữa tháng 11/2016, chủ Tafishco là vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ Trinh không còn xuất hiện tại trụ sở công ty ở tỉnh An Giang và các hộ nuôi cá tìm không được họ. Một lãnh đạo Argibank An Giang xác nhận, các hộ dân trong chuỗi liên kết với Tafishco đang nợ hàng trăm tỷ đồng, và Tafishco cũng nợ ngân hàng. Phó TGĐ Tafishco Hoàng Hữu Thành cho biết thêm, từ khi nhận ủy quyền điều hành Tafishco, không có tiền trả nợ cho nông dân nên đã mở kho cá phi-lê đông lạnh giao cho nông dân khoảng 700-800 tấn.

Việc cho nông dân vay tiền mua thức ăn nuôi cá theo chuỗi, thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc ba bên: Agribank An Giang, Tafishco và các hộ dân. Tuy nhiên, sau đó còn thêm nhiều hợp đồng và phụ lục, đều bắt buộc thực hiện chuỗi liên kết, mấy năm qua thông suốt thì ổn nhưng bây giờ chủ Tafishco biến mất thì xử lý khá phức tạp. Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Sơn, cũng chỉ cho biết: “UBND tỉnh đã nhận được đơn kiến nghị lần thứ 5 của các hộ dân và đang theo dõi tình hình”.

Từ giữa tháng 11/2016, chủ Tafishco là vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ Trinh không còn xuất hiện tại trụ sở công ty ở tỉnh An Giang và các hộ nuôi cá tìm không được họ. Một lãnh đạo Argibank An Giang xác nhận, các hộ dân trong chuỗi liên kết với Tafishco đang nợ hàng trăm tỷ đồng, và Tafishco cũng nợ ngân hàng. Phó TGĐ Tafishco Hoàng Hữu Thành cho biết thêm, từ khi nhận ủy quyền điều hành Tafishco, không có tiền trả nợ cho nông dân nên đã mở kho cá phi-lê đông lạnh giao cho nông dân khoảng 700-800 tấn.

Theo Sáu Nghệ

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên