Hoạt động ngân hàng vào cao điểm chặn trên - đào dưới
Sau khi Ngân hàng Nhà nước khẳng định quan điểm cứng rắn, các ngân hàng thương mại phải chuyển vào cao điểm chặn trên - đào dưới.
- 02-05-2019Thuê tiền cho cán bộ ngân hàng 'vờ' đếm nhằm qua mặt kiểm soát
- 02-05-2019Ngân hàng ồ ạt rao bán xe sang, lô đất trăm tỉ để thu hồi nợ
- 02-05-2019Vietcombank lưu ý khách hàng 8 nguyên tắc để giao dịch ngân hàng điện tử an toàn
Đầu tuần cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho BizLIVE biết, hệ thống nhận được văn bản mới của Ngân hàng Nhà nước, trong đó nêu một mục tiêu cụ thể, dù không mới.
Nước rút
Với yêu cầu trong văn bản đó, từ nay đến cuối năm, ngân hàng thương mại trên có một trong những ưu tiên hàng đầu là tập trung xử lý nợ xấu . Yêu cầu và mục tiêu cũng đặt ra cụ thể: trong năm 2019 cần giảm được tối thiểu 20% lượng nợ xấu hiện có.
Nợ xấu ở đây được xác định: nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Từ cuối năm 2017, các tổ chức tín dụng Việt Nam đã thành công trong kết quả đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức rất thấp, dưới mốc 2% và chỉ ở 1,99%. Tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống 1,89% cuối năm 2018.
Xét đơn thuần về kết quả này, khi mà lượng mới bán sang VAMC đã ít đi, nợ xấu nội bảng giảm xuống, thì bên cạnh việc xử lý được còn phản ánh một giá trị khác là lượng nợ xấu phát sinh thêm được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, theo nhận diện của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh nợ xấu nội bảng, nợ đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, cùng nợ cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm trước đây (theo cơ chế tại Quyết định 780 từ tháng 4/2012) được xem là nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
Tính theo phạm vi trên, quy mô nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu toàn hệ thống từng lên tới 10,08% vào cuối năm 2016. Nhưng với kết quả xử lý hai năm vừa qua, đến cuối năm 2018 đã giảm về 5,85%.
Đó vẫn là một mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ này về dưới mốc 3%. Và ngay trong năm 2019, với văn bản trên, cơ quan này đã đặt yêu cầu cụ thể mức độ tối thiểu cần giảm được tới mỗi tổ chức tín dụng.
Theo đó, toàn hệ thống sẽ bước vào nước rút ba quý còn lại của năm, mà nếu đưa được về dưới 3% thì đây sẽ là một kỳ tích - lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, nợ xấu đánh giá một cách sát thực với vùng nhận diện mở rộng chính thức trở về ngưỡng chấp nhận được một cách thuyết phục, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Chặn trên - đào dưới
Không phải đến khi có văn bản mới trên của Ngân hàng Nhà nước thì việc xử lý nợ xấu mới vào giai đoạn quyết liệt. Mà từ trong năm 2018, đây đã là một yêu cầu sát sườn và mang tính tự thân.
Đầu 2018, một số ngân hàng thương mại vẫn “tin” với kế hoạch chủ quan của mình: đặt tăng trưởng tín dụng cỡ 20 - 25%. “Tin”, vì những năm trước, sau khi giao chỉ tiêu, nửa cuối năm Ngân hàng Nhà nước thường có nới.
Thế nhưng, không lâu sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra chỉ thị, nêu rõ sẽ không nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho bất kỳ trường hợp nào, ngoại trừ những thành viên tham gia tái cơ cấu hoặc có đóng góp cho tái cơ cấu hệ thống.
Cơ quan quản lý khẳng định quan điểm cứng rắn, các ngân hàng thương mại phải thích nghi. Và năm 2019, tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, hầu hết các thành viên đều thận trọng hơn với kế hoạch kinh doanh, sẵn sàng hơn với kịch bản chỉ tiêu tín dụng không được nới.
Như vậy, trên đã chặn, mức độ tăng trưởng có giới hạn, dù có thể là chặn mềm (với những trường hợp tăng được vốn, áp dụng được Basel 2 thì cơ chế sẽ mềm). Để có thêm dư địa thúc đẩy, mở rộng kinh doanh, có một hướng tự thân tại các ngân hàng thương mại: đào dưới, tức là giảm nợ xấu để tái tạo cả không gian tăng trưởng tín dụng (do dư nợ khê đọng giảm đi), lẫn tái tạo nguồn vốn.
Sau năm 2018 chính sách rắn đã khẳng định, tiếp tục 2019, các ngân hàng thương mại sẽ càng phải đào sâu hơn nợ xấu để tạo thêm dư địa tăng trưởng và xoay xở hoạt động.
Với Ngân hàng Nhà nước, việc quản lý điều hành như trên tạo mũi tên trúng hai đích: một mặt, tín dụng được kiểm soát chặt hơn, khi mà tỷ lệ đòn bẩy này đã lên tới khoảng 135% GDP; mặt khác, thúc đẩy hệ thống tự thân vận động tốt lên, an toàn hơn qua áp lực tăng cường xử lý nợ xấu.
BizLive