Học đông học tây không bằng học từ chính mình, trái ngọt thành công chỉ dành cho những người tự bản thân nỗ lực
Hẳn là ai cũng từng biết đến bốn cái tên Truman Capote, Jimi Hendrix, Steve Jobs, Nikola Tesla khiến cả thế giới ngưỡng mộ về tài năng, danh tiếng và sự thành đạt. Thế nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi điểm chung giữa họ là gì chưa? Nếu bạn còn đang băn khoăn, câu trả lời là họ đều tự học hỏi từ chính bản thân. Nói theo cách khác, họ là người thầy và cũng là người học trò của chính mình.
- 29-12-2018Không phải vì tiền, nguyên nhân sâu xa khiến Elon Musk hà khắc với bản thân, "chiến đấu" tới 120 giờ/tuần làm số đông choáng váng!
- 29-12-2018Cách giúp các CEO hàng đầu làm việc hiệu quả hơn 1.000%, ai cũng nên thử để tốn ít thời gian nhưng làm được nhiều việc hơn
Thành tựu làm nên tên tuổi của họ bắt nguồn từ việc tự học. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta nên bỏ học ở nhà. Nó chỉ là bằng chứng chứng minh rằng yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công là sự tập trung và lòng tâm huyết. Trường lớp chính quy trang bị cho chúng ta những kiến thức nền tảng còn tự học giúp chúng ta vận dụng thực tiễn, kiểm chứng tính đúng sai để rút ra bài học kinh nghiệm.
Tự học tự làm là nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa chúng ta và những người khác. Ngày nay, với sự trợ giúp của Internet, việc tự học chưa bao giờ dễ dàng hơn. Bạn hoàn toàn có thể thức tỉnh “người thầy” trong chính mình.
Elon Musk có bằng cử nhân khoa học của một trường đại học thuộc khối Ivy League danh giá nhưng ông luôn tin rằng phần lớn kiến thức của ông bắt nguồn từ cuốn sổ tay giúp trí nhớ ông đã dày công xây dựng. Đọc chỉ là một trong vô vàn cách dạy cho bạn mọi điều cần biết. Hi sinh một chút thời gian rảnh rỗi ngồi xuống bàn làm việc cùng một cuốn sổ tay và một chiếc bút, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi những gì mình tích lũy được sau này.
Việc tự học càng phổ biến trong giới văn nghệ sĩ. Họ học hỏi bằng cách đọc không ngừng. Họ tìm nguồn cảm hứng của mình trong từng bài thơ, từng tập tiểu thuyết... Nhưng, hãy nhớ rằng đọc không chỉ là một phương thức tự học hiệu quả với họ mà còn với cả bạn nữa. Bởi lẽ, đó là cách giúp bạn trau dồi khả năng viết lách – một kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ai, dù người đó là doanh nhân hay chỉ là một sinh viên bình thường.
“Tôi tin rằng, tự học là hình thức cao nhất của giáo dục” – Isaac Asimov
Tự học không chỉ là tham gia các khóa học online hay đọc một vài quyển sách. Đó còn là quá trình thực hành lâu dài. Bạn có thể phát hành sách điện tử của riêng mình trên Amazon mà không cần thông qua nhà xuất bản nào cả.
Bạn có thể tự quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình mà không cần chi một đồng nào cho agency, tất cả chỉ đơn giản được tiến hành bằng hiểu biết của bạn. Vậy làm thế nào để có các hiểu biết ấy? Đơn giản thôi, thực hành. Trăm hay không bằng tay quen, cứ làm nhiều rồi bạn sẽ ngộ ra nhiều điều. Đừng ngại nhận phản hồi từ người khác, học hỏi từ sai lầm để rồi lần tới làm tốt hơn nữa.
Tự học không có nghĩa là ngừng tiếp thu ý kiến của người xung quanh. Tuy nhiên, bạn có quyền quyết định bài học nào là có giá trị nhất với bạn, thứ gì là thứ bạn nên áp dụng vào thực tế.
Khoa học nói gì về tự học?
Không ít người có cái nhìn sai lệch về việc tự học. Tự học không phải là giải pháp cho sự lười biếng, lại càng không phải là bằng cớ của việc thiếu động lực. Trong vô vàn trường hợp, tự học mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều so với việc được dạy bảo. Bạn sẽ trở nên có trách nhiệm hơn khi trở thành người thầy của chính mình. Tự học đòi hỏi tính kỷ luật cao hơn bất cứ việc gì khác. Không có giáo án tường tận, không có cam kết bồi hoàn đảm bảo đầu ra, thứ duy nhất đảm bảo thành công của việc tự học là sự tận tâm. Thiên tài khoa học Albert Einstein từng nói: “Trí tuệ không kết tinh từ việc lên lớp. Nó là kết quả của cả một quá trình học hỏi lâu dài".
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều khá rụt rè với hình thức giáo dục này bởi tính rủi ro của nó. Họ sợ mình không đủ tốt để trở thành thầy của mình. Xác suất thất bại cao vọt khiến họ nhụt trí. Nhưng đáng buồn thay, lý do lớn nhất khiến con người ta ngại tự học là vì khi đó, họ không có ai để đổ lỗi cho những khó khăn mình gặp phải. Không một giáo viên nào, không một mentor nào, chỉ có chính chúng ta, chính chúng ta chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
Theo một tờ báo tâm lý, chưa có lý giải rõ ràng vì sao có người tự học hiệu quả có người không. Sự khác biệt duy nhất giữa hai kiểu người này là động lực, lòng quyết tâm vượt qua những nỗi lo vô hình. Không có phương pháp học sai. Chỉ có phương pháp chưa phù hợp bởi mỗi cá nhân là một cá thể khác biệt với những ưu tiên khác nhau. Ví dụ, người chưa thạo nên tìm hiểu từ ví dụ đơn giản còn chuyên gia thì nên học hỏi từ những vấn đề hóc búa.
“Trí tuệ không kết tinh từ việc lên lớp. Nó là kết quả của cả một quá trình học hỏi lâu dài.” – Albert Einstein
Trái ngọt mang tên “tự học”
Quả từ cây do chính tay mình vun trồng bao giờ cũng ngon và ngọt hơn. Thành công sẽ càng ý nghĩa hơn nếu bạn tự tay đóng góp sức mình vào đó. Tất cả những người thành đạt đều có một điểm chung: không ngừng tìm hiểu những thứ mới lạ, không ngừng bổ trợ các kiến thức đã biết.
Người tự học luôn là kẻ thắng trận bởi lẽ họ học hỏi không ngừng. Chỉ học trên trường lớp cũng đồng nghĩa với việc giới hạn khả năng tiếp thu của bạn trong cuốn giáo trình. Học hết cuốn sách đó, bạn nghĩ mình đã có đầy đủ tri thức? Không. Cũng giống như “ếch ngồi đáy giếng”, một kẻ học thụ động không bao giờ tìm thấy những điều mới mẻ cũng như không bao giờ thỏa mãn cơn khát tri thức của chính mình.
Tin hay không, những kiến thức bạn tự trang bị còn mang lại lợi ích về mặt thể chất. Theo vô số nghiên cứu, việc ham tìm tòi học hỏi có thể giảm nguy cơ, thậm chí chữa lành các bệnh như Alzheimer hay các bệnh liên quan đến thần kinh tương tự.
Doanh nhân kiêm diễn giả truyền cảm hứng Jim Rohn từng nổi tiếng với câu nói: “Đến trường cho bạn cuộc sống còn tự học cho bạn sự giàu sang”. Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ học bởi giáo dục chính quy là nền tảng cho tự học sau này. Tuy nhiên, bạn nên duy trì cao độ quyết tâm học hỏi của mình mọi lúc mọi nơi.
Addicted2success