Học giả Mỹ nhận định chuyến thăm Việt Nam của ông Obama
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức họp báo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài ra, một số học giả Mỹ kêu gọi Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam áp đặt từ năm 1975.
- 18-05-2016Chuyên cơ của Tổng thống Obama sẽ đáp xuống Nội Bài như thế nào?
- 18-05-2016Đại sứ Mỹ tiết lộ bí mật về Tổng thống Obama
- 17-05-2016Boeing hạng nặng chở trực thăng Tổng thống Obama đến VN
- 17-05-2016Tổng thống Obama có cần hộ chiếu khi công du nước ngoài?
- 17-05-2016Từ chuyến thăm Tổng thống Obama, nhìn về những con số biết nói
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của TS Michael Green, Phó Chủ tịch phụ trách châu Á và Nhật Bản của CSIS, khẳng định chuyến công du châu Á, bao gồm chuyến thăm Việt Nam và Nhật Bản, sẽ nêu bật cam kết của Tổng thống Obama đối với chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh xuất hiện các yếu tố tiềm ẩn có thể gây đe dọa tới hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực, gắn với lợi ích của Mỹ và các nước đối tác. Về vấn đề này, TS Murray Hiebert, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Đông Nam Á của CSIS, nhận định, trọng tâm trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ là khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam.
Trên thực tế, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển sâu sắc, nhanh chóng và chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này là nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược giữa hai nước. Theo ông Hiebert, trong khuôn khổ tiếp các cuộc xúc cấp cao, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tập trung thảo luận về hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, quốc phòng-an ninh, ngoại giao nhân dân.
Ngoài ra, hai bên cũng đề cập vấn đề môi trường, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, thể hiện qua tình trạng hạn - mặn gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, hai bên có thể trao đổi về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam được cho sẽ thu được nhiều lợi ích quan trọng nếu biết tận dụng tốt những thời cơ mà hiệp định này tạo ra.
Về việc khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề da cam/dioxin, Mỹ đã có đóng góp tích cực hơn trong những năm gần đây với một dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng. Dự kiến, phía Mỹ sẽ công bố triển khai dự án tương tự tại sân bay Biên Hòa, nơi đất đai bị ô nhiễm dioxin nặng.
Theo TS Hiebert, tình hình biển Đông sẽ được đề cập trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, dựa trên nền tảng là các nội dung đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, bang California hồi tháng 2 vừa qua. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước có thể đề cập vấn đề nhân quyền.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ dự khai trương một số hạng mục liên quan Đại học Fulbright dự kiến mở tại TPHCM vào cuối năm nay, với kinh phí 20 triệu USD do Quốc hội Mỹ tài trợ. Đây là mô hình trường đại học đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, với một ban giám hiệu và chương trình học tập riêng.
Đánh giá tổng quan, ông Hiebert cho rằng, Tổng thống Obama sẽ tập trung vào hướng tới tương lai, xây dựng lòng tin, tạo nền tảng để duy trì can dự ở nhiều cấp độ khác nhau.
Kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương
Liên quan việc cấm bán vũ khí sát thương, ông Hiebert nhận định, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này sẽ là một biểu tượng của sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước, đặt trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển nhanh chóng.
Trong bài viết vừa đăng trên trang web của CSIS (trụ sở tại Washington), nhà nghiên cứu Murray Hiebert và đồng tác giả Phuong Nguyen cho rằng, việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ tạo thêm xung lực mới cho quan hệ Việt - Mỹ. Việc tiếp tục duy trì lệnh cấm nghĩa là quan hệ song phương vẫn chưa được bình thường hóa hoàn toàn.
Việc giữ lại lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay không mang lại nhiều giá trị chiến lược cho Mỹ, ông Hiebert nhận định. Ông cũng cho rằng, khi Mỹ đang giúp Việt Nam đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình thì việc duy trì một lệnh cấm đối với Hà Nội không có nhiều ý nghĩa. Ngày càng có nhiều người ủng hộ việc dỡ bỏ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain.