MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Học kiến thức và kỹ năng: Những sai lầm khiến người học mất công mà không thu lại được gì

23-09-2018 - 13:48 PM | Sống

Tôi đi dạy về kỹ năng bán hàng và quản lý bán hàng từ năm 2005, sau khi ra khỏi tập đoàn X được một năm và cũng đã mở công ty được một vài năm. Tôi gặp đa dạng nhiều kiểu học viên, từ nhà nước tới tư nhân, từ ông chủ tới nhân viên, nhưng điều đáng lo ngại là tôi thấy cách học của người Việt Nam ngày càng có vấn đề, và tôi kể ra như ở dưới đây để chúng ta cùng rút kinh nghiệm.

Tuýp đầu tiên là những người rất, rất, rất thích những hình ảnh đồ họa màu mè: Phải công nhận những thứ đó hấp dẫn thật, nhưng chính vì tính hấp dẫn của nó, nên người ta bị chìm trong đó, chỉ chăm chăm copy xuống từ bài giảng mà không rõ có dùng được không. Hoặc đôi khi thậm chí không hiểu sơ đồ đó dùng để làm gì.

Tôi cách đây hơn 15 năm không phải là ngoại lệ. Vì nghĩ rằng đồ họa hay biểu đồ là phải rất mất công nghiên cứu mới phát hiện ra, mới tổng hợp kiến thức uyên bác lại, nên tôi sưu tầm cả lô xích xông những thứ như vậy.

Về sau, tôi mới nhận ra rằng, đó đáng ra chỉ nên được coi là công cụ để hỗ trợ học tập chứ không phải là bí kíp thần kỳ. Đặc biệt là khi mỗi biểu đồ thuộc về một môn khác nhau, cứ lưu lại mà không chịu học để hiểu ngay, về tới nhà mới mở ra thì không khác gì "đuổi hình bắt chữ", tha hồ gán cho biểu đồ cả loạt ý nghĩa mà chính người làm ra nó chưa từng biết tới.

Rồi tôi đi dạy cho một số trung tâm, phát hiện ra rằng đi liền với các bộ complet sang trọng, nước hoa thơm tho và mái đầu uyên bác trên cặp kính cận hàng hiệu thì thường các thầy hay trưng ra một số mind map rất hoành tráng. Hết dọc lại ngang toàn màu sắc. Từ tiếng Việt đơn giản các thầy không dùng, dùng hẳn từ Hán Việt rất hoành tráng. Đôi khi, sức sáng tạo đưa các thầy đi quá xa, nên khiến các thầy bịa ra các thuật ngữ hoàn toàn không có trong từ điển nào cả.

Phản ứng nói chung của học viên trong lớp học bàn ghế rất CEO ấy là lấy smartphone ra chụp lia lịa, mồm tấm tắc, chép miệng tiếc thay cho cả những người không có dịp nghe thầy giảng. Những học viên này sau khi chụp xong thì dành thời gian còn lại chủ yếu là để post trên facebook và đưa lên những status rất sâu sắc như là "không có gì khó nếu chúng ta quyết tâm" rồi "từ nay mọi chuyện nhờ những nguyên tắc này mà thành ra sẽ không cản trở bước tiến lên của chúng ta được nữa" và cần mẫn tag anh em bạn bè vào.

Nếu để tổng kết thì tôi sẽ gọi họ là học viên "đi làm thương hiệu cá nhân". Chắc chắn họ sẽ quên nội dung lớp học giống các lớp khác, vì họ tới không phải vì học.

Theo Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Trí thức trẻ

Trở lên trên